|
Ảnh: Xinhua. |
Các nhà nghiên cứu Anh đã tìm thấy những em bé được nghe tiếng nước ngoài trong 9 tháng đầu đời sẽ dễ dàng tiếp thu môn ngoại ngữ khi đi học hoặc trưởng thành.
Nhóm tâm lý tại Đại học Bristol cho biết bộ não con người trải qua một giai đoạn lập trình ở tuổi sơ sinh, trong đó thiết lập khả năng nhận ra những âm thanh chủ chốt trong tiếng mẹ đẻ của nó.
Quá trình này giúp não hiểu được lời nói bằng cách lọc những âm thanh không có trong tiếng mẹ đẻ, nhưng dần dần nó cũng khiến người ta khó nhận biết hơn những âm thanh lạ trong tiếng nước ngoài. Trong khi đó, những em bé được tiếp xúc với nhiều thứ tiếng trong những tháng đầu đời sẽ duy trì khả năng nhận biết âm thanh từ mọi ngôn ngữ mà nó được nghe.
"Khi một em bé sinh ra, nó có khả năng phân biệt mọi loại âm thanh ngôn từ. Kể cả nếu cha mẹ nó nói tiếng Anh, thì nó vẫn có khả năng phân biệt nguyên âm tiếng Trung và tiếng Hy Lạp. Khi đến 6 tháng tuổi, trẻ chỉ có thể nhận ra nguyên âm của tiếng mẹ đẻ, đến 2-3 tháng tiếp, chúng chỉ phân biệt được phụ âm. Vì vậy, trong vòng 9-10 tháng đầu, khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ bị giới hạn dần vào tiếng mẹ đẻ", Nina Kazanina, nhà tâm lý ngôn ngữ tại Bristol, nói.
Kazanina giải thích điều này xảy ra bởi vì bộ não đang cố gắng hiểu được âm thanh lời nói trong môi trường tiếng mẹ đẻ, nên nó thực hiện một cơ chế lọc để có thể hiểu ngôn từ một cách dễ dàng hơn.
"Mặc dù điều này hữu ích trong việc học tiếng mẹ đẻ, thì nó lại gây hạn chế đối với việc học tiếng nước ngoài. Những âm thanh lạ thường được loại bỏ bởi cơ chế lọc và dẫn tới sự hiểu sai", Kazanina nói.
Bà tin rằng điều đó lý giải vì sao người nói tiếng Anh khó học tiếng Pháp hơn là người nói tiếng Italy hay Tây Ban Nha, bởi tiếng Pháp có nhiều âm thanh tương tự tiếng Italy hay Tây Ban Nha hơn.
. Theo VnExpress |