Các nhà khoa học Mỹ hôm 13.5 tuyên bố họ đã phát hiện ra một loại protein chịu trách nhiệm sửa chữa những ADN bị thương tổn có thể đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong việc giải thích vì sao hút thuốc lá gây ra bệnh ung thư phổi.
Những tế bào phổi bị phơi nhiễm khói thuốc lá tạo ra ít protein có tên gọi là FANCD2 hơn bình thường.
Không có protein FANCD2, ADN bị thương tổn có thể khiến các tế bào sinh sôi nảy nở ngoài tầm kiểm soát thay vì phải tiêu diệt chúng như qui luật sinh trưởng của tế bào bình thường.
Kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Ung thư của Anh này có thể mở ra cách điều trị ung thư phổi tốt hơn.
Ung thư phổi đứng đầu trong số các bệnh ung thư gây ra chết người trên toàn cầu. Mỗi năm, có hơn 1 triệu người trên thế giới chết vì ung thư phổi và chỉ có 15% bệnh nhân ung thư phổi sống được từ 5 năm trở lên sau khi bị bệnh.
Laura Hays, một trong số những tác giả nghiên cứu, nói: “Những phát hiện này cho thấy tầm quan trọng của FANCD2 trong việc bảo vệ tế bào phổi khỏi khói thuốc lá như thế nào và giải thích vì sao khói thuốc lá độc hại đối với những tế bào phổi như vậy”.
Tiến sĩ Grover Bagby, người giám sát nghiên cứu, nói thêm: “Mặc dù có thể có nhiều protein khác liên quan đến tiến trình phát triển của tế bào ung thư phổi nhưng chúng tôi biết rằng protein FANCD2 là yếu tố chủ chốt vì tế bào nào có hàm lượng FANCD2 cao thì sẽ có khả năng kháng lại tác hại của khói thuốc”.
Hays và các đồng nghiệp đã tạo ra một khí quản nhân tạo trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu về tác động của khói thuốc lá lên tế bào.
FANCD2 được biết là có liên quan đến bệnh ung thư. Nó thuộc dòng protein liên quan đến chứng bệnh di truyền mang tên Fanconi anemia. Những người mắc chứng Fanconi anemia thường có nồng độ protein thấp và có nhiều khả năng bị ung thư khi tuổi còn trẻ.
|