|
Một ca tay chân miệng 5 tháng tuổi đang điều trị tại khoa Nhiễm - BV Nhi Đồng 1. |
Trước tình trạng bệnh chân tay miệng bùng phát khiến nhiều trẻ nhỏ bị tử vong, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành y tế các tỉnh, thành phố nhất là các tỉnh phía nam (90% số người mắc bệnh tập trung ở các tỉnh khu vực này) phải nhanh chóng khẩn trương giám sát, xử lý ổ dịch, phòng, chống, không để dịch bệnh chân, tay, miệng lây lan.
Theo Bộ Y tế, số trường hợp mắc bệnh chân, tay, miệng trên cả nước trong bốn tháng đầu năm nay là gần 3.000 trường hợp, bằng với lượng số người mắc bệnh này trong cả năm 2007.
Theo các chuyên gia, hiện đang là thời điểm đỉnh cao của bệnh chân, tay, miệng trong năm, sau đó bệnh sẽ lắng dịu, và "đợt hai" của bệnh này sẽ tiếp tục bùng lên vào khoảng tháng 10, tháng 11 tới.
Ðến nay vẫn chưa có vaccine phòng ngừa, cho nên việc phòng bệnh chính là: phải bảo đảm vệ sinh cho trẻ trong ăn uống và giữ vệ sinh sàn nhà, đồ chơi mà trẻ tiếp xúc, sử dụng nguồn nước, chế biến thức ăn bảo đảm vệ sinh.
Hôm qua (14.5), Sở Y tế đã làm việc cùng các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng... về việc khẩn trương giám sát, phòng chống bệnh.
Trẻ nhập viện không ngừng tăng
Theo ghi nhận, hiện số trẻ nhập viện do mắc chân tay miệng đã tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có một phần khá lớn bị biến chứng thần kinh lên não khiến trẻ tử vong rất nhanh. Tại BV Nhi đồng 1, trung bình mỗi ngày có tới 40-45 cháu phải nằm điều trị nội trú do mắc chân tay miệng.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm của BV, phần lớn số trẻ khi nhập viện đã rơi vào tình trạng sốc nặng và khoảng trên 10% bị biến chứng thần kinh nghiêm trọng có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không điều trị tích cực kịp thời.
Tại BV Nhi đồng 2, số trẻ nhập viện do mắc chân tay miệng được điều trị nội trú tại khoa Nhiễm cũng đã xấp xỉ 35-40 cháu/ngày, chưa tính số trẻ được khám ngoại chẩn và được yêu cầu điều trị tại nhà. Điều khiến các bác sĩ lo ngại là nhiều cháu khi nhập viện chưa tới 36 tháng tuổi.
Theo BS Trần Thị Việt, Trưởng khoa Nhiễm, chính sức đề kháng yếu ớt của các cháu đã tạo điều kiện tốt cho Enterovirus 71 (virus gây bệnh chân tay miệng) tấn công mạnh nên có cháu khi nhập viện mạch đập nhanh, thường xuyên giật mình. Đó là biểu hiện của biến chứng thần kinh và có thể biến chứng lên não và gây tử vong nhanh.
Theo Sở Y tế TPHCM, hiện nay tình hình bệnh chân tay miệng xuất hiện tại khắp các quận huyện trên địa bàn TP và chủ yếu tập trung ở trẻ dưới 36 tháng tuổi (tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo). Tính từ đầu năm đến nay, toàn TP đã ghi nhận 775 ca mắc T-C-M và đã có 6 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, qua điều tra dịch tễ học vẫn chưa xác định cụ thể khu vực
Tử vong vì bệnh tay chân miệng cao gấp 2 lần bệnh sốt xuất huyết
Hiện nay, trung bình mỗi tháng phía Nam có 500 ca tay chân miệng phải nhập viện. Theo số liệu của Viện Pasteur, từ đầu năm đến nay, 20 tỉnh phía Nam có 10 ca chết vì tay chân miệng, gấp 2 lần so với số tử vong vì sốt xuất huyết.
. Theo VnMedia
Nhận dạng triệu chứng khác nhau giữa sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng
Bệnh sốt xuất huyết: trẻ thường sốt cao từ 2 - 7 ngày. Hạ sốt bằng cách cho trẻ uống acemol, lau mát bằng nước ấm. Cho trẻ uống nhiều nước (nước chín, nước trái cây, nước biển khô...). Nếu có một trong những dấu hiệu sau cần nghĩ đến Sốt xuất huyết nặng và đưa trẻ đến bệnh viện: Lừ đừ, bứt rứt - Lạnh tay chân thường là vào ngày thứ tư, thứ năm của bệnh, nhất là khi trẻ hết sốt. - Ói nhiều - Đau bụng - Chảy máu bất thường: xuất huyết dưới da, máu mũi, ói máu, tiêu phân đen...
Bệnh tay chân miệng: Trẻ sốt, loét miệng, nổi hồng ban có bóng nước ở bàn tay, bàn chân, gối hoặc mông. Việc theo dõi trẻ phải kéo dài từ 7 - 10 ngày. Khi có một trong những triệu chứng sau cần nghĩ đến bệnh tay chân miệng nặng và phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay: sốt cao, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, chới với, run giật tay chân, co giật, nôn ói nhiều, bỏ bú, yếu liệt tay chân, da nổi bông. | |