Đến cuối thế kỷ 21, các cơn bão trên toàn cầu sẽ ít xuất hiện hơn trước nhưng cường độ của chúng sẽ mạnh hơn vì tác động của tình trạng khí hậu Trái đất ấm lên.
Nhóm khoa học thuộc Phòng Thí nghiệm động lực học chất lưu địa vật lý (GFDL) của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã đưa ra kết quả nghiên cứu khá trái ngược so với một số nghiên cứu khác vốn dự đoán sẽ có nhiều bão hơn khi thế giới ấm lên.
Theo nghiên cứu của nhóm khoa học này, số lượng các cơn bão sẽ giảm đi nhưng cường độ của chúng sẽ mạnh hơn. Lượng mưa cũng sẽ tăng.
Hễ nhiệt độ bề mặt các đại dương tăng lên 1oC tăng lên thì cường độ của bão sẽ tăng thêm 4%.
Nhiệt độ bề mặt các đại dương cao hơn 26,5oC là một trong những nhân tố chính tạo thành và duy trì các cơn bão.
Trong vòng vài thập niên trở lại đây, nhiệt độ của hầu hết các vùng biển nhiệt đới đã tăng thêm 0,5oC. Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu toàn cầu (IPCC) cho rằng chính điều này đã làm tăng mức độ tập trung khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển của Trái đất.
Tiến sĩ Knutson và đồng tác giả nghiên cứu Isaac Held của GFDL cho biết nhóm của ông đã sử dụng một phương pháp nghiên cứu khác so với các phương pháp nghiên cứu trước đây.
Họ đã giả lập một mô hình số các dòng đối lưu cơ bản và nhiệt động lực học đóng vai trò kiểm soát sự hình thành các cơn bão ở Đại Tây Dương. Nhóm đã chạy thử dữ liệu của các cơn bão trong 25 năm qua trên mô hình giả lập và thu được kết quả gần giống với những gì xảy ra trong thực tế.
|