Trung tâm Khoa học kỹ thuật vật nuôi Bình Định đã nghiên cứu lai tạo thành công giống dê F1Boer (dê cái lai địa phương phối với dê đực Boer) đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với các giống dê đang được nuôi tại địa phương.
|
Dê lai F1Boer được nuôi tại Trạm thực nghiệm gia súc lớn của Trung tâm Khoa học kỹ thuật vật nuôi Bình Định. Ảnh: Hoàng Lân
|
Đây là kết quả của đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm thích nghi và khả năng sản xuất thịt của con lai F1 giữa dê đực giống thuần Boer (Mỹ) với dê cái lai trên địa bàn tỉnh Bình Định” do thạc sĩ Trần Văn Hạnh (Phó Giám đốc Trung tâm khoa học kỹ thuật vật nuôi Bình Định) làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài vừa được Hội đồng khoa học công nghệ chuyên ngành của tỉnh nghiệm thu thông qua và xếp loại khá.
Theo khảo sát của đề tài, tính đến tháng 8.2007 tổng đàn dê trên địa bàn tỉnh là 15.800 con, tập trung phần lớn ở các xã, huyện trung du, miền núi. Phương thức chăn nuôi chủ yếu là quảng canh. Các giống dê được nuôi chủ yếu là dê lai (dê cỏ lai dê Bách Thảo, dê Ấn Độ, với tỉ lệ máu lai khác nhau, nhưng nhìn chung tỉ lệ máu của dê cỏ còn cao). Các giống dê này có nhiều ưu điểm như sinh sản tốt, thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu địa phương, nhưng có tầm vóc nhỏ, khối lượng 12 tháng tuổi chỉ đạt 18 - 25 kg, tăng trọng chậm, năng suất thịt thấp. Bên cạnh đó, công tác chọn giống chưa được người dân chú trọng đúng mức, dẫn đến thoái hóa giống, năng suất giảm. Vì vậy, việc cải tạo tầm vóc đàn dê, nâng cao thể trọng, cải thiện năng suất thịt của đàn dê lai địa phương là một việc làm cần thiết.
Sau 3 năm triển khai (2005-2007), đề tài đã thu được những kết quả: đã nghiên cứu lai tạo được giống dê F1Boer (dê cái lai địa phương phối với dê đực Boer) đạt hiệu quả kinh tế cao. Dê lai F1Boer có tầm vóc, sinh trưởng, phát triển cao hơn so với các loại dê được nuôi ở địa phương (dê F1Boer 24 tháng tuổi: 42,24kg; dê nuôi ở điïa phương 24 tháng tuổi: 28,98kg). Tốc độ tăng trọng trung bình của dê F1Boer (54,45g/con/ngày) cao hơn hẳn so với dê nuôi ở địa phương (36,89g/con/ngày). Bên cạnh đó dê F1Boer thích nghi tốt với điều kiện khí hậu tại Bình Định, các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa, khả năng sinh sản và chống chịu bệnh tật của dê F1Boer tương đương với dê lai địa phương.
Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình kỹ thuật chăn nuôi dê lai F1Boer tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình chuyển giao kỹ thuật cho người dân có nhu cầu chăn nuôi dê (bao gồm quá trình chọn giống, kỹ thuật phối giống, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng từng giai đoạn, kỹ thuật làm chuồng trại, cách vệ sinh phòng bệnh…).
Thạc sĩ Trần Văn Hạnh cho biết: “Khi nuôi dê lai F1Boer theo phương pháp bán thâm canh (chăn thả gần, bổ sung đầy đủ thức ăn thô xanh, tinh hỗn hợp tại chuồng) và thâm canh (cung cấp đầy đủ thức ăn thô xanh, thức ăn tinh theo khẩu phần), dê có tầm vóc to lớn và tăng trọng cao hơn so với dê lai địa phương. Trong trường hợp chăn nuôi dê lai F1Boer theo hướng thịt thương phẩm thì nên xuất bán và giết thịt lúc 12 tháng tuổi là hợp lý và hiệu quả nhất. Hiệu quả kinh tế cao hơn gần 40% so với dê lai địa phương”.
Phát triển chăn nuôi dê hướng thịt có năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế cao là một hướng đi cần thiết trong việc chuyển dịch cơ cấu giống vật nuôi của tỉnh ta. Vì vậy, trên cơ sở kết quả của đề tài, cơ quan chủ trì có thể chuyển giao kỹ thuật rộng rãi đến các hộ nông dân có nhu cầu chăn nuôi dê trên địa bàn toàn tỉnh.
|