|
Điều trị cho trẻ mắc bệnh Tay-chân-miệng tại cơ sở y tế (ảnh minh họa) |
Trước tình hình bệnh tay-chân-miệng đang bùng phát tại TP.HCM và có nguy cơ lan ra tại nhiều địa phương khác trên cả nước, Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn giám sát bệnh này, trong đó đưa ra nhiều biện pháp xử lý ổ dịch tại các nhà trẻ, nhà mẫu giáo và tại gia đình người bệnh.
Hướng dẫn này nêu rõ, một nơi được gọi là ổ dịch khi ghi nhận từ 2 ca lâm sàng trở lên (trong đó có ít nhất 1 ca được phòng xét nghiệm xác định dương tính), trong thời gian 7 ngày.
Tại các nhà trẻ, mẫu giáo, trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, thì cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền.
Thầy, cô giáo, hoặc người hướng dẫn tại nhà trẻ phải theo dõi hàng ngày, đặc biệt khi trẻ đến lớp, các biểu hiện sốt, xuất hiện loét miệng, phỏng nước để thông báo cho gia đình, y tế xử lý kịp thời.
Tất cả trẻ em, người lớn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch và thường xuyên trước, sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là mỗi lần thay tã cho trẻ. Thực hiện một số biện pháp hạn chế lây truyền khác như ăn chín, uống sôi.
Các dụng cụ, vật dụng thường xuyên sờ mó của trẻ phải được làm sạch bằng nước và xà phòng, sau đó lau bằng chloramin B 2% hàng ngày; Cũng tương tự như vậy, các dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bị nhiễm dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng và lau bằng chloramin B 2%; để xa khỏi tầm tay trẻ em.
Ngoài ra, với dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc: ngâm, tráng nước sôi trước khi ăn, sử dụng. Lớp học phải thường xuyên làm thông gió.
Tại gia đình bệnh nhân, người bệnh cần phải được cách ly. Khi có các biểu hiện biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao (từ 39,50C trở lên ), thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác; che miệng khi ho, hắt hơi và giữ khoảng cách khi nói chuyện, không để vi rút lây lan sang người khác. Phân và các chất thải của bệnh nhân phải được khử trùng bằng chloramin B; Quần áo, chăn màn dụng cụ của bệnh nhân phải được khử trùng bằng đun sôi, ngâm dung dịch chloramin B 2%;
Đối với người chăm sóc bệnh nhân: hướng dẫn thực hành vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay ngay khi thay tã cho trẻ; thường xuyên vệ sinh răng miệng. Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh.
Khi trẻ còn triệu chứng bệnh tay-chân-miệng, không cho phép tham gia các hoạt động, gặp gỡ đông trẻ em khác như đến lớp, đi bơi...
Theo dõi các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em để có thông báo cho cơ quan y tế xử lý, điều trị kịp thời.
. Theo HNM |