Người ta thường nói rằng con người và nhiều loại động vật có xương sống sẽ sống lâu hơn nếu chúng ta hay những loại động vật có xương sống mở rộng quan hệ tương tác xã hội. Vì sao như vậy? Có thể tìm thấy câu trả lời này thông qua tìm hiểu loài ruồi giấm.
Nhà khoa học Chun-Fang Wu và Hongyu Ruan của trường đại học Iowa tại thành phố Iowa (Mỹ) đã nghiên cứu những con ruồi giấm có một gene bị biến đổi khiến vòng đời của chúng bị ngắn lại bằng cách can thiệp vào một loại enzyme có khả năng diệt sạch mọi gốc phân tử tự do nguy hiểm cho sức khỏe.
Cơ thể những người bị mắc bệnh liên quan đến tuổi già như bệnh Alzheimer và Parkinson cũng có một loại enzyme tương tự.
Những con ruồi giấm bị đột biến gene được nuôi chung với những con non không bị đột biến gene sống lâu hơn và vận động nhanh nhẹn hơn những con ruồi giấm bị đột biến gene nhốt riêng. Ngoài ra, chúng cũng có sức đề kháng mạnh hơn với những thay đổi khắc nghiệt của ngoại cảnh như nhiệt độ nóng và hay căng thẳng vì quá trình ôxy hóa diễn ra trong cơ thể chúng.
Tương tác xã hội của những con ruồi giấm già với những con ruồi nhỏ hơn thông qua các trò ve vãn bạn tình để giao phối, thông qua các cuộc “ẩu đả” hay “tự chải chuốt” để thu hút bạn tình đóng vai trò then chốt trong việc kéo dài tuổi thọ của những con ruồi giấm già.
Khi bị nhốt trong bóng tối, chúng không nhìn thấy nhau. Khi đó, chúng sẽ mau chết hơn.
Bước nghiên cứu tiếp theo là phải làm sáng tỏ câu hỏi vì sao các hoạt động tương tác xã hội chiến thắng được gene bị đột biến xét ở cấp độ phân tử. Giải mã được điều bí ẩn này sẽ giúp ích rất nhiều cho các bệnh nhân bị bệnh lão hóa thần kinh liên quan đến tuổi già bằng cách tạo ra cho họ một môi trường xã hội phù hợp.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Wu cũng chỉ ra rằng có một vài gene ảnh hưởng đến vòng đời của ruồi giấm nhưng không phải gene nào cũng chịu “lép vế” trước sự giao tiếp xã hội.
|