Tình trạng thanh thiếu niên (TTN) hút thuốc lá (TL) ngày càng gia tăng, đồng nghĩa với việc số người hút TL không giảm đi dù rằng số người mắc và chết do các bệnh liên quan tới TL vẫn luôn trong tình trạng báo động!
|
Số người mắc và chết do bệnh liên quan tới thuốc lá vẫn luôn là tình trạng báo động. Ảnh: St
|
* Hút thuốc... 1001 lý do
Tại Việt Nam, theo các số liệu điều tra mới đây cho thấy, tình hình hút TL ở lứa tuổi TTN đang có xu hướng gia tăng. Có đến 1/2 số người hút TL bắt đầu hút trước 20 tuổi, tỉ lệ hút thuốc trước 18 tuổi là 6,7%. Từ 15 đến 24 là lứa tuổi có tỉ lệ hút thuốc tăng nhanh. Song ở lứa tuổi này hầu như không có ai cai thuốc. 15% người hút trước 10 tuổi, 34% người hút trước 16 tuổi và nguy hiểm không kém là 50% trẻ dưới 5 tuổi thường xuyên phải tiếp xúc với khói TL.
Ở tỉnh ta, đến nay vẫn chưa có một thống kê cụ thể nào về tình trạng hút TL trong TTN nhưng ông Phan Văn Hớn, Thư ký Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại TL tỉnh khẳng định, tỉ lệ này tương đương với cả nước.
Trên thực tế, tại các quán cà phê, giải khát, tụ điểm bida… của TP Quy Nhơn, rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều học sinh, sinh viên “nhả khói”. Và có đến hàng ngàn lý do để họ bao biện cho hành vi hút TL.
Anh Nguyễn Thế L, sinh viên khoa Điện-Kỹ thuật, Trường Đại học Quy Nhơn, tâm sự: “Khi “tập tò” hút thuốc, tôi không biết khói thuốc có hại cho sức khỏe của chính mình và người xung quanh. Cho đến lúc nhận ra được điều này thì tôi không thể “rứt” khỏi TL được”. Còn anh Lê Văn A, sinh viên khoa Ngoại ngữ của trường, thì “nghiện” TL vì: “Bài vở nhiều, ngày đi làm, đêm phải thức khuya học”. Cũng có trường hợp sinh viên hút thuốc cho “đỡ nhớ nhà, có cảm hứng… làm thơ, hoặc cho tâm trạng phấn chấn, vui vẻ hơn”.
Còn với các em học sinh, thiếu niên, cũng có nhiều lý do để hút TL nhưng phần lớn là bắt chước người lớn (nhất là ở gia đình có người hút TL), tò mò và muốn làm… người lớn.
* Nhiều bất cập
Những người ở độ tuổi vị thành niên thử nghiệm TL rất dễ bị phụ thuộc cả đời. Ngoài việc TTN hút TL dẫn đến nhiều tác động tiêu cực (bỏ học, dễ sa vào tệ nạn xã hội…), các bác sĩ cũng khẳng định, thói quen này rất có hại cho sức khỏe, nguy cơ mắc bệnh cao, nhất là các bệnh ung thư, tim mạch và phổi.
Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không TL năm 2008 với chủ đề: “Tuổi trẻ không TL”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tổ chức diễn đàn “Thanh niên với công tác phòng chống tác hại TL năm 2008” thông qua hình thức như chiếu phim tư liệu về hiểm họa của việc sử dụng TL; biểu diễn các tiết mục văn nghệ có nội dung về phòng chống TL; giao lưu kiến thức về tác hại của TL; tuyên truyền trực quan thông qua các tờ rơi, tranh ảnh cổ động... Các hoạt động này nhằm hướng dẫn những hành động tích cực để TTN phòng chống tác hại TL, nâng cao sức khỏe và giảm thiệt hại về kinh tế. |
Trong thời gian qua, ngành giáo dục và các ngành liên quan đã cùng phối hợp triển khai một số hoạt động tuyên truyền nhằm giúp TTN hiểu rõ hơn về tác hại và tránh xa TL. Bắt đầu từ năm 2007, trong kế hoạch hoạt động thường xuyên, Ban chỉ đạo phòng chống tác hại TL tỉnh cũng tập trung vào đối tượng TTN. Phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn) và các huyện An Nhơn, Hoài Nhơn, Tây Sơn được chọn làm điểm triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống tác hại TL cho TTN.
Hệ thống các trường học trên địa bàn cũng có nhiều biện pháp ngăn ngừa học sinh tiếp cận với TL nhưng trên thực tế, việc quản lý rất khó khăn. Anh Nguyễn Khắc Khanh, Phó Bí thư đoàn Trường Đại học Quy Nhơn, cho biết: “Trường đã có quy định cấm bán TL trong căntin. Thông qua những buổi sinh hoạt, đoàn trường cũng đã tuyên truyền, tập huấn về tác hại của TL. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều sinh viên mua TL ở bên ngoài để hút, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của các bạn sinh viên khác, điều này chúng tôi rất khó phát hiện và không quản lý được”.
* Giải pháp nào?
Ông Phan Văn Hớn phân tích: “Chúng ta nói nhiều đến các nguyên nhân trẻ hút TL nhưng theo tôi sâu xa nhất vẫn là cơ hội tiếp cận qua tiếp thị, quảng cáo TL đối với trẻ quá nhiều. Trẻ em 10 - 12 tuổi thường tăng ham muốn hút thuốc gấp đôi so với các lứa tuổi khác khi có tác động của quảng cáo, đồng thời khi đã tiếp xúc thì rất khó bỏ. Chính tâm lý này đã được các công ty TL khai thác triệt để để lôi kéo TTN vào cuộc. Vì thế, một trong những cách hữu hiệu nhất nhằm bảo vệ TTN trước tác hại của TL là cấm quảng cáo, khuyến mại của ngành công nghiệp TL dưới bất kỳ hình thức nào”.
Để loại bỏ các yếu tố nguy cơ dẫn đến việc nghiện TL ở TTN, chúng tôi cho rằng ngành chức năng nên loại bỏ những hình thức tiềm năng, ẩn chứa có thể kích thích sự tò mò sử dụng TL như: gạt tàn, quẹt, tủ đựng và trưng bày TL ngoài đường… Trong gia đình, cha mẹ và người lớn tuổi là những tấm gương đối với TTN. Sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là đoàn thanh niên trong việc tuyên truyền phòng chống tác hại của TL là một kênh truyền thông quan trọng để giáo dục TTN tránh xa khói TL. Cuối cùng là ý thức biết nói không với TL từ bản thân mỗi một bạn trẻ!.
|