Mô hình kết nối thông tin giữa ngư dân và cơ quan quản lý
9:33', 29/5/ 2008 (GMT+7)

Sau gần 2 năm đưa vào hoạt động, mô hình này đã góp phần cung cấp nhanh, chính xác thông tin về số lượng, vùng hoạt động của các tàu thuyền trên biển, phục vụ tốt cho công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN).

 

Các cán bộ của Trung tâm PCLB-TKCN ngành thủy sản đang liên lạc với các trạm bờ của ngư dân. Ảnh: M.H

 

Đây là những hiệu quả của đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình thông tin liên lạc giữa trạm bờ tự có của ngư dân, tàu cá xa bờ và trung tâm PCLB-TKCN tàu cá tại Bình Định” do kỹ sư Nguyễn Hữu Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) Bình Định và thạc sĩ Trần Văn Vinh, quyền Trưởng phòng Đăng kiểm tàu cá (Chi cục BVNLTS) đồng chủ nhiệm. Đề tài đã đạt giải 3 Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần IV (2006-2007) do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Bình Định tổ chức.

Tỉnh ta có lực lượng tàu thuyền khai thác hải sản lớn với hơn 6.000 tàu gắn máy, trong đó có khoảng gần 4.000 tàu đánh bắt ở các vùng biển xa bờ. Hàng năm, lực lượng tàu thuyền hoạt động đánh bắt rộng khắp tại các ngư trường trong cả nước. Trong quá trình hoạt động, thiên tai, bão lũ là các tác nhân gây nên thiệt hại và ảnh hưởng không nhỏ đến sinh mạng và tài sản của ngư dân. Một trong những nguyên nhân chủ quan gây nên nhiều thiệt hại cho người và các tàu cá đang hoạt động trên biển là việc kết nối, cung cấp thông tin thời tiết, bão lũ, hỗ trợ TKCN  cho người và phương tiện hoạt động nghề cá khi gặp phải những tai nạn trên biển chưa được cập nhật chính xác, kịp thời.

Những thông tin từ tàu cá bị nạn về đất liền, thông tin cho việc xử lý chỉ đạo của các ban ngành có liên quan trong công tác PCLB-TKCN trên biển chưa được gắn kết với nhau một cách chặt chẽ và có hệ thống. Ngoài ra, với đặc thù nghề cá nhỏ, điều kiện cơ sở vật chất có hạn, nên còn nhiều khó khăn trong việc trang bị đồng bộ các thiết bị thông tin hàng hải hiện đại cho các tàu cá đảm bảo yêu cầu thông tin liên lạc. Một số ngư dân lại không muốn khai báo tần số để kết nối thông tin liên lạc vì sợ lộ các thông tin về ngư trường, cũng dẫn đến hạn chế trong công tác TKCN.

Xuất phát từ thực tiễn thông tin liên lạc của ngư dân, mỗi trạm bờ của ngư dân đặt tại nhà có 1 máy bộ đàm dùng để liên lạc với các tàu trong tập đoàn hoặc các tàu cá có quan hệ mật thiết với nhau (thông thường là bà con, họ hàng trong gia đình). Mỗi trạm thường xuyên liên lạc từ 7-12 tàu để thông báo ngư trường, thông tin giá cả sản phẩm hoặc giúp đỡ nhau trong lúc bị nạn. Vì vậy, chỉ có những trạm bờ mới có thể nắm được chính xác các thông tin của các tàu cá đang đánh bắt xa bờ như: thời gian liên lạc, các tần số liên lạc của các tàu sau mỗi chuyến biển.

Từ các đặc điểm này, nhóm thực hiện đề tài nhận thấy, việc nghiên cứu phương pháp giao tiếp giữa trạm bờ và tàu cá để nắm được nhanh chóng các tần số và các thông tin về tàu cá hoạt động trên biển là cách tiếp cận hiệu quả nhất, góp phần hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại cho người và tàu cá hoạt động trên biển khi gặp nạn.

Thạc sĩ Trần Văn Vinh cho biết: “Mô hình được hoàn thiện và đi vào hoạt động từ tháng 9.2006 với 57 trạm bờ tự có của ngư dân. Hoạt động cơ bản của mô hình được xây dựng bao gồm việc lập danh bạ bộ đàm của các tàu cá và các trạm bờ; kết nối thông tin giữa Trung tâm PCLB-TKCN của ngành thủy sản với các trạm bờ của ngư dân và tàu cá một cách có hệ thống. Với phương thức liên lạc này, các tàu cá vẫn đảm bảo được bí mật thông tin về ngư trường của mình; đồng thời các cơ quan quản lý vẫn có thể kịp thời nắm bắt được các thông tin về tàu cá, có thể thông báo kịp thời thông tin cho các tàu khi có tình huống xấu xảy ra”.

Gần 2 năm thực hiện, mô hình này đã góp phần cung cấp nhanh, chính xác thông tin về số lượng, vùng hoạt động của các tàu thuyền trên biển phục vụ tốt cho công tác PCBL-TKCN; hỗ trợ cho ngư dân yên tâm sản xuất trên biển, góp phần đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của ngư dân khi có thiên tai xảy ra. Kết quả đạt được từ khi hệ thống này được ứng dụng cho đến nay là đã làm giảm thiệt hại về tàu thuyền trên 3 tỉ đồng và cứu sống 30 ngư dân.

Thạc sĩ Trần Văn Vinh cho biết thêm: “Để mô hình hoạt động hiệu quả hơn, trong năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục vận hành mô hình và nâng cao hiệu suất của các thiết bị tại Trung tâm PCLB-TKCN của tỉnh để đảm bảo cho việc thu nhận thông tin. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức lớp tập huấn để đào tạo và nâng cao kỹ năng sử dụng thông tin liên lạc cho các thành viên tại các trạm bờ của ngư dân…”.

  • Mai Hồng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người nghiện thuốc lá đang… “trẻ hóa”!  (29/05/2008)
Phát hiện loài ếch lông “kinh dị” có khả năng tự bẻ xương để tạo thành móng vuốt  (28/05/2008)
Dự báo động đất từ vũ trụ: Khả quan nhưng cũng lắm khó khăn  (28/05/2008)
Nỗ lực của các web tìm kiếm Việt  (27/05/2008)
Một đời sống xã hội phát triển phong phú có tác dụng kéo dài tuổi thọ như thế nào?  (27/05/2008)
Lần đầu tiên hoàn tất giải mã chuỗi ADN của phụ nữ  (27/05/2008)
Loại vải mùng mới làm tăng tính năng chống muỗi  (27/05/2008)
Các bữa ăn nhỏ không giúp bạn giảm cân  (27/05/2008)
Hình ảnh lịch sử truyền về từ sao Hỏa  (27/05/2008)
Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng tới 40 độ C  (26/05/2008)
Internet có thể cạn kiệt địa chỉ email trong 3 năm nữa  (25/05/2008)
Kết nối thị trường thẻ: Người tiêu dùng được lợi!  (25/05/2008)
Thép “sợi”- loại vật liệu mới không gãy khi gặp lạnh đột ngột  (23/05/2008)
Bộ Y tế hướng dẫn giám sát bệnh tay-chân-miệng  (23/05/2008)
Công nghệ cho phép gửi tiền qua thẻ ATM  (23/05/2008)