|
Công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học từ rơm rạ không đe dọa an ninh lương thực mà lại “nhanh chóng, đơn giản, ít tốn kém và thân thiện với môi trường” |
Các nhà nghiên cứu người Trung Quốc vừa mới phát minh ra kỹ thuật sơ chế rơm rạ cho phép biến phế phẩm của cây lúa thành một nguồn sản xuất nhiên liệu sinh học có thể thay mới được.
Trên thực tế, hiện đang có 3 cơ sở sản xuất của Trung Quốc đã sử áp dụng phương pháp này.
Trung Quốc là nước sản xuất lúa lớn nhất thế giới. Mỗi năm, sau các vụ thu hoạch, có khoảng 230 triệu tấn rơm rạ được thải ra. Mặc dù người ta đã sử dụng rơm rạ vào một số mục đích như làm thức ăn cho gia súc hay làm giấy nhưng vẫn còn một số lượng đáng kể rơm rạ không dùng tới hoặc đem đốt ở ngoài đồng, làm tăng mức độ ô nhiễm không khí và mang nhiều hiểm họa gây ra cháy.
Trên lý thuyết, tất cả các loại vật chất sinh học có thể chuyển hóa được thành nhiên liệu sinh học nhờ có nhiều loại vi sinh vật phân hủy chúng thành các chất hóa học hữu ích. Đã có hơn 30 nước trên thế giới áp dụng cách này để biến bắp, mía và nhiều loại cây hoa màu khác thành nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, các nhà khoa học không chọn rơm để làm nhiên liệu sinh học vì các loại vi sinh không thể dễ dàng bẻ gẫy các liên kết cellulose có trong rơm, vì cấu trúc hóa học và vật lý của những liên kết này quá phức tạp.
Không bó tay trước khó khăn, các nhà nghiên cứu của trường đại học Hóa công nghệ Bắc Kinh tại Trung Quốc đã phát triển một kỹ thuật sơ chế rơm rạ làm tăng khả năng sản xuất nhiên liệu sinh học từ rơm rạ. Họ đã trộn rơm với dung dịch kiềm sodium hydroxide trước rồi mới cho ủ cho vi sinh vật gây men. Dung dịch kiềm giúp cho rơm dễ bị vi sinh vật phân hủy hơn. Tất cả quá trình trên đều được tiến hành ở nhiệt độ bình thường mà không cần phải tốn thêm một loại năng lượng nào. Chỉ cần thêm một chút nước để tiến trình phân hủy rơm diễn ra “đơn giản, nhanh chóng, ít tốn kém và thân thiện với môi trường”.
Kỹ thuật sơ chế bằng dung dịch kiềm cho phép các nhà nghiên cứu tăng tới 65% sản lượng khí sinh học (biogas) sản xuất được. 3 nhà máy áp dụng công nghệ này hiện đang được xây dựng.
Dự án nhằm mục đích xây dựng các trạm biogas tập trung để cung cấp nhiên liệu sinh học cho từng hộ gia đình ở thành thị thông qua các đường ống dẫn khí ngầm dưới đất. Bã rơm còn lại sau đó sẽ được chế thành phân hữu cơ bón cho các đồng ruộng. Bằng cách này, rơm rạ sẽ được tái chế hoàn toàn.
Dự án này có một lợi điểm là không đe dọa đến an ninh lương thực thế giới. Mặt khác, nó có thể được ứng dụng ở nhiều nước.
Các nhà nghiên cứu sẽ đăng chi tiết kết quả nghiên cứu của mình trên tạp chí Năng lượng và Nhiên liệu số ra ngày 16.7 sắp tới.
Dự án nghiên cứu của họ được tài trợ tài chính từ Chương trình Phát triển và Nghiên cứu Công nghệ cao của Trung Quốc.
|