Động đất Trung Quốc có thể ảnh hưởng dây chuyền đến Việt Nam
8:39', 30/5/ 2008 (GMT+7)

Sau động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên, một đứt gãy sâu khoảng 3 km đang hình thành về phía lòng trái đất, kéo theo ảnh hưởng đến các đới đứt gãy xung quanh, trong đó có Việt Nam, và có thể gây động đất, các chuyên gia địa chất cảnh báo.

PGS Nguyễn Đình Hòe, chuyên gia địa chất tại ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, cho biết sự dịch chuyển của các mảng thạch quyển luôn xảy ra, hay nói cách khác, vỏ trái đất của chúng ta luôn di chuyển. Vì thế, những tác động dù mạnh hay nhẹ của mảng thạch quyển này sẽ tác động hiệu ứng lên mảng thạch quyển khác. 

Người dân huyện Bắc Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đi sơ tán trên những con đường bị gãy vỡ sau địa chấn. Ảnh: Time.

Hầu hết những đứt gãy trên toàn lãnh thổ Việt Nam đều có khả năng gây ra động đất như đứt gãy sông Hồng, sông Cả, sông Mã, Điện Biên... Có thể hình dung, những đứt gãy này như những con hổ đang ngủ yên, bỗng có một cú huých nhẹ làm nó trở mình thức giấc, khi đó, chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Điều nguy hiểm là hiện công nghệ xây dựng, và ngay cả tinh thần ứng phó với loại thiên tai này của Việt Nam còn quá thấp nên những thiệt hại lại càng có khả năng nhân lên nhiều lần.

Cũng theo PGS Hòe, những vùng đã xảy ra động đất thì không đáng quan tâm bằng chính những vùng trước đây chưa từng xảy ra hoặc có nhưng đã diễn ra từ rất lâu. Việt Nam cần cảnh giác vì địa hình chúng ta quá gần với Trung Quốc.

Cùng quan điểm này, giáo sư Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết về mặt lý thuyết, trận động đất ở Tứ Xuyên có thể tác động gây rung chấn ở những đới đứt gãy khác trong đó có các đứt gãy ở Việt Nam, như sông Hồng, sông Lô, đới đứt gãy Sơn La - Lai Châu... Sự tác động đến mức độ nào thì khoa học chưa tính toán cụ thể.

Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, PGS - TS Nguyễn Ngọc Thủy:

Cho đến nay, việc dự báo chính xác thời gian xảy ra động đất đối với thế giới vẫn là một vấn đề nan giải. Không thể xác định là động đất xảy ra khi nào mà chỉ có thể biết nơi nào có khả năng xảy ra và nếu có thì mức độ nặng nhất là bao nhiêu mà thôi. Ở Việt Nam, nơi được dự báo động đất mạnh nhất cũng chỉ là 6,8 độ richter với chấn động cấp 8-9. Tuy nhiên, chỉ có động đất từ 7 độ richter trở lên mới đe dọa nghiêm trọng đến các công trình xây dựng. Dự báo trước có thể kịp sơ tán con người ra khỏi vùng đe dọa, nhưng rất tốn kém. Hơn nữa, việc dự báo cần được thực hiện hàng giờ, hàng phút và phải áp dụng một loạt các phương pháp dự báo nên chi phí còn cao hơn nữa. Vì vậy, ngay từ đầu, áp dụng kỹ thuật kháng chấn vào việc xây dựng các công trình trong những vùng có khả năng động đất là cách tốt nhất để phòng ngừa thiên tai này. (Theo VnExpress)

Cũng theo giáo sư Xuyên, những trận động đất mạnh cấp 11-12 mới có thể làm thay đổi địa hình (thay đổi dòng chảy sông, tạo thành hồ mới...), còn ở Việt Nam, động đất cực đại có thể xảy ra là cấp 7, cấp 8 do những rung động 5,5-6 độ richter gây ra. Với mức độ này, động đất ở nước ta không làm thay đổi địa hình, mạnh nhất chỉ là phá hủy nhà cửa, làm biến dạng mặt đất như trượt lở núi, nứt đất...

Tuy nhiên, thời gian thanh bình kéo dài khiến con người lãng quên là mình đang sống trong vùng nguy hiểm, PGS Hòe nhấn mạnh. Động đất còn là loại thảm họa đến nay hầu như không thể dự báo chính xác thời điểm xuất hiện.

Để chung sống với động đất, theo ông, lý tưởng nhất là quy hoạch phát triển phù hợp. Trong đới có nguy cơ động đất, các công trình xây dựng phải được kháng chấn phù hợp với cấp động đất cao nhất. Tránh xây dựng các công trình gây nguy hiểm nếu bị sự cố như đập nước lớn, nhà máy điện hạt nhân, kho hóa chất độc hại... Mật độ các công trình phải thưa thoáng phù hợp với cấp động đất. Tuy nhiên các biện pháp này hay bị "lãng quên" ở những vùng đất chật người đông và thiếu khả năng tài chính cho kháng chấn.

Hoạt động tập dượt ứng xử cho cộng đồng cũng rất hữu ích, nhưng chỉ phù hợp với những vùng hay có động đất như Nhật Bản (chạy ngay ra chỗ trống trải, nếu trong công sở thì chui xuống gầm bàn, tập dượt cứu thương, chữa cháy, cứu sập...). Nâng cao hiểu biết của người dân về ứng xử động đất để họ tự thích ứng cũng là một giải pháp hiệu quả. Có một phản đề là, các vùng hay xảy ra động đất lại ít thiệt hại hơn các vùng rất ít khi bị. Như vậy, thiệt hại do động đất gây ra lại chủ yếu phụ thuộc vào sự chuẩn bị của con người.

. Theo Khoa học và Đời sống

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sản xuất nhiên liệu sinh học từ rơm rạ  (29/05/2008)
Phát hiện một thành phố cổ 3.000 năm tuổi ở Ai Cập  (29/05/2008)
Bò sát bay khổng lồ chén cả khủng long  (29/05/2008)
Nắng nóng sẽ còn kéo dài 4 - 5 ngày nữa  (29/05/2008)
Mô hình kết nối thông tin giữa ngư dân và cơ quan quản lý  (29/05/2008)
Người nghiện thuốc lá đang… “trẻ hóa”!  (29/05/2008)
Phát hiện loài ếch lông “kinh dị” có khả năng tự bẻ xương để tạo thành móng vuốt  (28/05/2008)
Dự báo động đất từ vũ trụ: Khả quan nhưng cũng lắm khó khăn  (28/05/2008)
Nỗ lực của các web tìm kiếm Việt  (27/05/2008)
Một đời sống xã hội phát triển phong phú có tác dụng kéo dài tuổi thọ như thế nào?  (27/05/2008)
Lần đầu tiên hoàn tất giải mã chuỗi ADN của phụ nữ  (27/05/2008)
Loại vải mùng mới làm tăng tính năng chống muỗi  (27/05/2008)
Các bữa ăn nhỏ không giúp bạn giảm cân  (27/05/2008)
Hình ảnh lịch sử truyền về từ sao Hỏa  (27/05/2008)
Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng tới 40 độ C  (26/05/2008)