Quan niệm truyền thống thường cho rằng con trai giỏi về tính toán trong khi con gái giỏi về đọc. Mặc dù có nhiều điều tạo ra sự khác biệt trong bộ não của người nam và người nữ trưởng thành nhưng nguồn gốc của sự khác biệt này vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Một số người cho rằng nền tảng văn hóa là yếu tố làm nên sự khác biệt đó. Chẳng hạn như nếu tách con trai và con gái học riêng thì con gái sẽ học toán tốt hơn khi chúng học chung cùng một lớp. Một số người khác thì cho rằng sự khác biệt xuất phát từ đặc điểm sinh học ngay từ lúc mới sinh. Những đặc điểm sinh học khác biệt này vẫn tồn tại vì bộ não của con trai và con gái tiến hóa để xử lý thông tin theo hai hướng khác nhau.
Nhà nghiên cứu Luigi Guiso cùng các đồng nghiệp thuộc Viện Đại học châu Âu ở Florence mới đây đã công bố kết quả một nghiên cứu cho thấy nền tảng văn hóa là cái tạo nên sự khác biệt trong bộ não của con trai và con gái, chí ít là trong lĩnh vực học toán.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng cách điểm số môn toán của học sinh nam và học sinh nữ thường bị mất đi khi chúng sống ở những nước có trình độ bình đẳng giới cao. Tuy nhiên, đối với môn đọc hiểu thì vẫn có sự khác biệt đáng kể.
Giáo sư Guiso đã lấy dữ liệu năm 2003 của Chương trình giúp đỡ sinh viên quốc tế của tổ chức OECD để phân tích và nghiên cứu. Có khoảng 276.000 học sinh ở độ tuổi 15 của 40 quốc gia khác nhau tham dự các kì thi toán và đọc hiểu. Các nhà nghiên cứ đã so sánh kết quả của quốc gia này với quốc gia kia đồng thời với việc tiến hành một số chỉ số đo lường mức độ bình đẳng giới của các quốc gia nghiên cứu chẳng hạn như chỉ số bất bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chỉ số thái độ xã hội đối với phụ nữ, hoạt động kinh tế của phụ nữ trong một quốc gia và mức độ tham gia chính trị của phụ nữ.
Xét về mặt trung bình, điểm toán của các em gái thấp hơn các em trai, đúng như quan niệm truyền thống. Sự khác biệt về điểm số môn toán là rất lớn đối với các nước có trình độ bình đẳng giới thấp, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ở các nước mà nam và nữ gần như bình đẳng với nhau như Na Uy hay Thụy Điển, ranh giới khác biệt trong điểm số môn toán giữa học sinh nam và học sinh nữ gần như biến mất.
Các nhà khoa học cũng đã tính toán thêm một vài con số thống kê khác nhằm đảm bảo chính nền tảng vật chất chứ không phải là một biến số khác như GDP trên đầu người có tương quan với sự khác biệt trong việc học toán của hai giới. Kết quả phân tích thống kê cho thấy sự tiến bộ trong điểm số môn toán không liên quan gì đến việc phát triển kinh tế nhưng liên quan trực tiếp đến sự cải tiến vị thế của phụ nữ trong xã hội.
Ngược lại, ở tất cả các quốc gia, điểm số môn đọc hiểu của con gái luôn cao hơn con trai.
Như vậy, có thể con gái sẽ giành được lợi thế hoàn toàn so với con trai nếu được đối xử bình đẳng.
|