|
Hàng trăm nghìn gia đình sống dựa vào Biển Hồ |
Tháng Năm hàng năm, khi mùa mưa tới, mực nước sông Mekong dâng cao.
Khi nước sông Mekong chảy vào thủ đô Phnom Penh, dòng chảy của nó hợp với dòng chảy từ một hồ lớn ở miền trung Campuchia.
Nhưng dòng chảy của con sông Mekong mạnh tới mức nó ép dòng chảy của con sông dẫn nước từ hồ lớn ngược trở lại thượng nguồn, khiến hồ lớn mở rộng diện tích gấp năm lần.
Đó là Tonle Sap, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, mà người Campuchia thường gọi là Biển Hồ.
Đây là một khu vực đa dạng sinh học và là một vùng nước sinh sản quan trọng cho các loài cá. Hàng năm, chúng vượt dòng sông Mekong lên thượng nguồn để đẻ trứng tại các vùng rừng ngập nước.
Đối với Campuchia, Biển Hồ là một vùng nước quan trọng. Nó cung cấp hai phần ba lượng protein cho đất nước này. Hơn một triệu người sống nương tựa vào Biển Hồ.
Nhưng Biển Hồ đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng.
Dân số Campuchia gia tăng nhanh chóng, vì lẽ đó, áp lực đối với các nguồn tài nguyên cũng tăng cao.
Các loài cá bị đe dọa vì tình trạng khai thác quá mức cũng như các biện pháp đánh bắt bất hợp pháp.
Các nông dân và những người khai hoang đã lợi dụng khả năng quản lý yếu kém để chiếm các vùng đất rừng ngập nước, phá hủy môi trường thiên nhiên và gây ô nhiễm hồ nước.
Tình trạng đốn chặt cây rừng của người dân địa phương tăng nhanh. Một số người địa phương đã săn bắn thú rừng quý hiếm để bù lại lượng đánh bắt cá ngày càng giảm.
Năm ngoái, Thủ tướng Hun Sen đã cảnh báo một “thảm họa môi trường nghiêm trọng” nếu các vấn đề trên không được giải quyết.
Bảo tồn cá
|
Bản đồ khu vực Biển Hồ |
Dự án Quản lý Môi trường Tonle Sap (TSEMP), do Ngân hàng Phát triển châu Á hỗ trợ tài chính, đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn tình trạng trên.
Tám năm trước, hơn một nửa khoản hỗ trợ nhằm bảo vệ Biển Hồ đã được cung cấp cho cộng đồng địa phương.
Một phần hoạt động của TSEMP là nhằm giúp đỡ các dân làng thiết lập các nhóm đánh bắt cá hợp pháp nhằm bảo vệ và duy trì các nguồn cá. Hiện đã có 170 nhóm như vậy.
Soer Tao là phó trưởng nhóm đánh bắt cá cộng đồng ở Kampong Klaeng, bờ đông bắc của Biển Hồ.
Ngôi làng là nơi sinh sống của khoảng 10 nghìn người sinh sống trong các ngôi nhà sàn để tránh lũ lụt. Khoảng 85% nguồn sống của người dân ở đây dựa vào đánh bắt cá.
10 năm trước, Soer Tao cho rằng việc đánh bắt cá trái phép và phá rừng đang gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với bản thân dân làng.
Nhưng các nhóm bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên ở địa phương đã mang lại các thay đổi.
Đường biên ngôi làng đã chính thức được định ra và người dân thay nhau tuần tra khu vực.
Nếu phát hiện thấy ai đó đánh bắt cá trái phép hay có người khai hoang phá rừng, các nông dân trong làng sẽ vào cuộc để ngăn chặn ngay.
Ngôi làng cũng lập nên một khu bảo tồn cá rộng khoảng 300 m2, nơi nhân giống cá vào mùa khô. Những nơi như vậy được đánh dấu bằng cờ đỏ và có người gác.
Khi mùa mưa đến, đàn cá sẽ bơi ra ngoài, với số lượng được hy vọng tăng đều hàng năm.
Soer Tao nói: “Khu bảo tồn sẽ bảo vệ nguồn cá vốn là kế sinh nhai của mọi người”.
Các dự án mới
|
Nhiều gia đình sống trên các ngôi làng nổi |
Nhưng không đơn giản là chỉ có bảo vệ các nguồn cá.
Preak Toal là một ngôi làng nổi. Tất cả mọi thứ đều trôi trên sông, thậm chí cả nhà và các trạm xăng, và mọi người sống dựa vào hồ.
Hiện các dự án đang được thiết lập để trợ giúp các gia đình đa dạng hóa các nguồn sống, để họ không còn phụ thuộc vào Biển Hồ nữa, nhằm giảm áp lực lên tự nhiên.
Những người săn trộm trước đây nay lại tuần tra khu bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài thủy sinh quý hiếm.
Các du khách phải trả tiền để tới thăm khu bảo tồn, trong khi các gia đình địa phương dùng xe đạp nước để đưa các du khách đi thăm thú.
Người dân còn trồng cả cây trái trên các khu vườn nổi. Một nhóm còn tìm cách biến một loài thực vật sống dưới nước làm nhiên liệu sử dụng hàng ngày.
Nhưng các sáng kiến đó, dĩ nhiên, không phải hoàn hảo. Người dân địa phương vẫn cảm thấy dễ dàng hơn khi vào rừng lấy củi hay bán cá để kiếm tiền nhanh hơn.
"Bước ngoặt"
|
Tiến sĩ Bonheur cho rằng cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm bảo vệ Biển Hồ |
Tiến sĩ Neou Bonheur, Giám đốc TSEMP, thừa nhận rằng tìm cách nâng cao nhận thức môi trường cho những người đang vật lộn kiếm sống quả là khó khăn.
Ông nói: “Thật khó, nhưng khi chúng tôi bảo với họ rằng không nên đốn cây rừng vì đó là nơi sinh sản của các loài cá, họ đã nhận thức được”.
“Nhưng hiện giờ chúng tôi đứng trước một bước ngoặt. Giá gạo và năng lượng tăng cao nên hiện có xu hướng khai hoang của các nhóm dân từ nơi khác tới”
“Đó là điều khó khăn nhất đối với chúng tôi. Những đối tượng đó phá hoại các cộng đồng khác và hủy hoại các nguồn cá”.
Nhưng có một vấn đề chính yếu khác mà Campuchia không thể kiểm soát.
Trung Quốc, Thái Lan và Lào đều dùng sức nước của sông Mekong để xây các nhà máy thủy điện, và các chuyên gia cho rằng chuyện đó ảnh hưởng tới việc các loài cá bơi ngược dòng sông để lên Biển Hồ sinh sản theo mùa.
Tiến sĩ Bonheur nói: “Nước chúng tôi ở phía hạ nguồn nên ít có quyền quyết định hơn các nước khác. Tuy thế chúng tôi hy vọng sẽ có thể nêu ra quan ngại của mình thông qua đối thoại”.
"Tonle Sap là một tài sản lớn của Campuchia, nên chúng tôi phải bảo vệ nó bằng mọi giá”.
. Theo BBC |