Tiếp thu công nghệ từ Đại học Nha Trang, Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản (TNNTTS) Cát Tiến - thuộc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Bình Định - đã cho sinh sản, ương nuôi thành công cá chẻm - loài cá đặc sản có giá trị xuất khẩu.
|
Hệ thống bể ương nuôi cá chẻm tại Trạm Thực nghiệm Cát Tiến. Ảnh: H.L
|
Từ năm 2007 đến nay, Trạm TNNTTS Cát Tiến đã cho sinh sản 3 đợt, thu hoạch trên 100 ngàn con cá chẻm giống (loại 2-3cm) và đã chuyển giao cho một số hộ nuôi thương phẩm, bước đầu cho kết quả khả quan. Để có cơ sở đủ tiêu chuẩn ương cá chẻm, tỉnh đã đầu tư trên 1 tỉ đồng nâng cấp Trạm TNNTTS Cát Tiến, bao gồm: xây dựng hệ thống xử lý nước biển, bể nuôi cá bố mẹ bằng hệ thống lọc sinh học; hệ thống bể ương nuôi từ cá bột đến giai đoạn cá hương, với tổng thể tích bể trên 60m3. Ngoài ra còn có hệ thống bể nuôi sinh khối luân trùng để làm thức ăn cho cá bột; hệ thống cung cấp khí cho các bể nuôi…
Để cho cá chẻm sinh sản nhân tạo phải trải qua 2 giai đoạn. Đầu tiên là tạo đàn cá bố mẹ. Cá giống mua từ các trung tâm giống ở Nha Trang, hay chọn cá ngoài tự nhiên đủ tiêu chuẩn về nuôi trong hệ thống bể lọc sinh học. Khi con cái đạt 3,5kg trở lên, con đực 2kg trở lên (nếu để con đực lớn trên 3kg sẽ biến thành con cái, vì cá chẻm là loài lưỡng tính) là đến thời kỳ cho cá sinh sản được. Thức ăn của chúng chủ yếu là tôm, cá tươi, có bổ sung một số chất vitamin.
Giai đoạn 2 là cho sinh sản. Khi buồng trứng cá phát triển đến giai đoạn đẻ thì dùng kích thích tố để cho cá đẻ đồng loạt. Trứng cá đẻ ra thụ tinh với tinh dịch cá đực (tỷ lệ thụ tinh khoảng 70%), sau đó vớt lên đem ấp. Sau 14-16 tiếng đồng hồ trứng nở ra cá bột. Tỷ lệ nở thông thường từ 80-85%. Khi đến 45 ngày, cá đạt chiều dài từ 2-3cm, đây là giai đoạn cá giống. Muốn trở thành cá giống nuôi thương phẩm phải qua giai đoạn ương nuôi tiếp theo đến khi cá đạt chiều dài thân từ 6-8cm (giai đoạn này Trạm TNNTTS Cát Tiến chưa có điều kiện cơ sở vật chất để nuôi).
Theo ông Phan Thanh Việt - Trạm trưởng Trạm TNNTTS Cát Tiến, giá bán cá chẻm giống (2-3cm) hiện nay từ 900 - 1.000 đồng/con. Khi nuôi đạt chiều dài thân 6-8cm giá bán từ 3.500 - 5.000đồng/con. Hiện nay, Trạm đã chuyển giao cho một số hộ dân ở Tuy Phước, Phù Cát, Quy Nhơn… nuôi trong ao ven đầm Đề Gi, đầm Thị Nại, kết quả bước đầu tương đối khả quan. Cá chẻm có thời gian nuôi từ 6-8 tháng đạt trọng lượng khoảng 1kg/con là bán được. Giá bán hiện nay từ 65.0000-70.000 đồng/kg. Chủ yếu phục vụ các quán đặc sản và xuất khẩu.
Theo ông Việt, ở Bình Định nên nuôi cá chẻm trong thời gian từ mùa xuân đến mùa thu, để tránh mưa ngập và lạnh. Trạm đang làm mô hình nuôi thử nghiệm cá chẻm để có quy trình kỹ thuật nuôi hoàn chỉnh chuyển giao cho người nuôi. Trong khi môi trường nước ao nuôi ô nhiễm, hạn chế cho việc nuôi tôm thì nuôi cá chẻm là ưu thế.
Theo nhiều tài liệu, cá chẻm có nhiều ở các đầm ao nước ngọt, nước lợ ven biển ở nước ta. Ở Bình Định cá chẻm có ở đầm Thị Nại, đầm Đề Gi. Loài cá này sinh sản ngoài biển khơi, sau đó cá con theo thủy triều vào các đầm, ao ven biển sinh sống, nên môi trường nước thích nghi với loài cá này rất rộng.
Từ trước đến nay, muốn nuôi cá chẻm phải bắt cá giống con từ tự nhiên. Năm 2006, trường Đại học Nha Trang cho sinh sản nhân tạo thành công và chuyển giao công nghệ này cho một số tỉnh, nên phong trào nuôi thương phẩm loại cá này bắt đầu phát triển.
|