|
Nghiên cứu khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ trong trường hợp không thể có điều kiện tìm nguồn sữa thay thế. Ảnh minh họa |
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 200.000 trẻ em bị nhiễm vi rút HIV/AIDS vì bú sữa mẹ bị nhiễm bệnh. Nhưng hiện nay, một nghiên cứu mới đã cho thấy chế độ dùng thuốc chống HIV/AIDS điều độ trong một thời gian ngắn có thể bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ lây nhiễm từ mẹ thông qua việc bú sữa mẹ.
Đồng tác giả nghiên cứu Tiến sĩ Taha E. Taha, đồng giám đốc chương trình nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Khoa Sức khỏe cộng đồng Bloomberg thuộc trường đại học Johns Hopkins nói về công trình nghiên cứu của mình: “Chế độ dùng thuốc đó rất có hiệu quả thực tế và những loại thuốc đó khá rẻ. Chúng tôi tin rằng nó sẽ bảo vệ được phần lớn trẻ em là con của những bà mẹ nhiễm HIV/AIDS”
Việc lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con thông qua đường sữa mẹ đặc biệt nghiêm trọng ở vùng Hạ Sahara của châu Phi, nơi các bà mẹ hiếm khi nuôi con bằng sữa bột. Trong số 500.000 ca nhiễm HIV/AIDS mới mỗi năm trên thế giới có khoảng 200.000 ca là trẻ sơ sinh bị lây nhiễm qua đường sữa mẹ. Chưa kể đến 10% ca nhiễm HIV/AIDS ở trẻ sơ sinh bị lây từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ.
Đã có giải pháp khuyến khích dùng sữa bột thay thế sữa mẹ. Tuy nhiên, ở một số khu vực của châu Phi, giải pháp này không khả thi vì không có nguồn sữa bột để thay thế và không có đủ nước sạch để tiệt trùng chai lọ pha sữa bột cho trẻ.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm 3 loại chế độ thuốc ngăn lây nhiễm HIV/AIDS thông qua đường sữa mẹ trên 3.016 trẻ sơ sinh ở Malawi.
Chế độ thuốc thứ nhất thuộc nhóm đối chứng bao gồm một liều thuốc nevirapine (hay còn gọi là Viramune) chống AIDS kết hợp với một tuần điều trị bằng thuốc zidovudine (AZT hay Retrovir). Hai chế độ thuốc còn lại có thêm liều nevirapine hoặc kết hợp cả nevirapine và zidovudine mỗi ngày cho đến khi trẻ được 14 tuần tuổi.
Trẻ dùng thuốc ở nhóm đối chứng có tỉ lệ lây nhiễm HIV cao nhất trong 3 nhóm khi chúng được 6 tuần tuổi đến 18 tháng tuổi. 11% trẻ ở nhóm này nhiễm HIV khi chúng ở độ tuổi 9 tháng trong khi trẻ ở 2 nhóm còn lại lần lượt có tỉ lệ nhiễm là 5,2% và 6,4%.
Kết quả nghiên cứu trên đã được đăng tải trực tuyến trên tạp chí Y khoa New England.
Một nghiên cứu khác cũng đăng trên cùng tạp chí chứng minh việc ngưng cho con bú sữa mẹ sớm và đột ngột trong giai đoạn 4 tháng đầu đời của trẻ không giảm được bao nhiêu nguy cơ lây HIV/AIDS từ mẹ sang con thông qua đường sữa mẹ. 2/3 trẻ sơ sinh ở Zambia bị mẹ dứt cho bú sữa trước 5 tháng tuổi không bị nhiễm HIV khi chúng được xét nghiệm vào giai đoạn 24 tháng tuổi. Nhóm khác có mẹ cho bú đến trung bình 16 tháng cũng sống đến 24 tháng tuổi mà không bị nhiễm HIV.
|