|
Xương bàn chân của người tiền cổ đại Dolni Vestonice sống cách đây 26.000 năm được phát hiện tại Cộng hòa Czech, có ngón chân nhỏ hơn, xương chân yếu hơn. Ảnh: Erik Trinkaus/ Viện khoa học Czech |
Một nghiên cứu nhân chủng học mới khẳng định loài người chúng ta đã biết đi giày đi dép từ cách đây khoảng 40.000 năm, sớm hơn nhiều so với các giả thiết trước đây đưa ra.
Cũng giống như bất kỳ một loại quần áo bằng da ngựa tốt nào, đôi giày đúng phản ánh kích cỡ của người mang nó. Ngày nay, các nhà nhân chủng học đã dựa trên cơ sở kiến thức này để tìm hiểu sự thay đổi về mặt kích cỡ giày mà con người đã mang qua nhiều thời kỳ nhằm xác định khi nào việc mang giày dép trở thành mốt thời thượng.
Hóa ra, trang phục thực sự tạo ra con người, chí ít là trong lĩnh vực giày dép. Đó là vì việc mang giày dép làm thay đổi cách con người bước đi và cách cơ thể phân bố sức nặng của trọng lượng cơ thể trên đôi chân. Nếu ta mang giày thường xuyên giống như hầu hết con người hiện đại ngày nay thì những thay đổi sẽ được phản ánh rõ trên xương và dây chằng.
Susan Cachel, một nhà nhân chủng học thuộc trường đại học Rutgers ở bang New Jersey (Mỹ), cho biết từ đầu thế kỷ 20, khoa học đã biết về tác động của việc mang giày dép ảnh hưởng như thế nào lên đôi chân. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số đặc điểm khác biệt giữa đôi chân mang giày và đôi chân không mang giày. Chẳng hạn, ở đôi chân mang giày chật, người ta thấy có các nốt viêm tấy xuất hiện ở kẽ ngón cái, hậu quả của việc xương hoặc cơ ngón cái phình to và gây đau đớn. Người không mang giày có bàn chân to hơn, khoảng cách giữa các ngón rộng hơn. Phụ nữ thường xuyên mang giày cao gót có cơ xương mác nhỏ hơn.
Erik Trinkaus, một nhà nhân chủng học thuộc trường đại học Washington ở St. Louis, là người đầu tiên ứng dụng tất cả những hiểu biết về việc thời trang tác động lên cơ thể của con người như thế nào vào ngành nhân chủng học. Ông đã phát hiện ra một thời điểm trong lịch sử phát triển của loài người mà khi đó xương ngón chân của họ bắt đầu co lại. Kết hợp với dữ liệu cung cấp kiến thức về cách giày dép làm thay đổi kiểu đi của con người, ông Trinkaus đã lý giải rằng xương ngón chân nhỏ hơn chứng tỏ con người đã bắt đầu mang giày vào thời điểm đó.
Trong khi các đôi giày cổ nhất được phát hiện trên thế giới hiện chỉ có khoảng 10.000 năm tuổi thì phát hiện của Trinkaus lại khẳng định con người đã biết mang giày sớm hơn mốc đó tới 30.000 năm.
Theo Trinkaus, trong phần lớn lịch sử phát triển của loài người, tổ tiên chúng ta có xương ngón chân to và dày hơn vì họ phải đi bộ nhiều hơn, leo trèo nhiều hơn và mang vác nhiều hơn con người chúng ta ngày nay. Xương chân của họ cũng to hơn vì cùng một nguyên nhân.
Tuy nhiên, cách đây khoảng 40.000 năm, sự thay đổi xuất hiện. Xương chân của người tiền sử thời đó vẫn dày và cứng nhưng xương ngón chân đã bắt đầu nhỏ và yếu hơn trước. Đó là vì họ bắt đầu mang giày dép.
|