|
Tomohiro Kato. Ảnh: Kyodo/Reuters. |
Một người đàn ông lái chiếc xe tải lao vào đám đông khách bộ hành giữa trung tâm thủ đô Tokyo chiều 8.6, sau đó nhảy xuống gào thét và đâm chém túi bụi khiến 7 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Tất nhiên y bị bắt ngay sau đó.
Phát ngôn viên cảnh sát Tokyo cho biết: “Nghi phạm nói anh ta tới Akihabara để giết người vì đã quá mệt mỏi với cuộc sống”.
Kẻ sát nhân điên loạn Tomohiro Kato, 25 tuổi, từng là học sinh giỏi trong một trường trung học danh tiếng. Nhưng có lẽ khi ra đời, y thấy cuộc sống khắc nghiệt hơn tưởng tượng và đâm ra "chán ghét thế giới".
Vụ thảm sát do Kato gây ra khiến cả nước Nhật kinh hoàng, nhưng các chuyên gia tội phạm học cho rằng đây chỉ là một ví dụ nữa, về một thanh niên cảm thấy bất mãn với vị trí của mình trong xã hội. Đây là vụ vô cớ giết người thứ ba ở Nhật trong năm nay. Y đã dùng một xe ô tô tải đi thuê, lao vào đám đông người đi bộ ở trung tâm Tokyo, rồi nhảy xuống dùng dao đâm điên loạn, làm chết 7 và bị thương 12 người.
Dù giới chức chưa xác định chính xác động cơ gây án của Kato, ông Akira Sakuta, giáo sư tội phạm học thuộc Đại học Ageo ở Saitama, đoán rằng y thuộc kiểu người thường đổ lỗi cho xã hội đã gây ra cuộc sống bất ổn và công việc thấp kém.
Thời học cấp hai, Kato là học sinh giỏi và được tuyển vào trường trung học danh tiếng ở khu tỉnh Aomori. Nhưng khi án mạng xảy ra cuối tuần trước, y chỉ là công nhân tạm tuyển của một nhà máy phụ tùng ô tô, sống trong nhà tập thể do nhà máy cho mượn.
"Hẳn đã có gì đó không thuận sau khi y tốt nghiệp phổ thông, và y nhận thấy rằng thế giới thực rất khó hăn", Sakuta nhận xét. "Y có thể đã muốn tự sát. Ý muốn đó đôi khi chuyển thành chuyện giết người".
"Chắc rằng hồi nhỏ y đã được nhiều người chú ý, nên y nghĩ rằng phải làm gì đó để lấy lại sự chú ý của mọi người".
Theo giáo sư Sakuta, có nhiều thanh niên Nhật Bản ích kỷ và thiếu chín chắn, và bạo lực chính là sự thể hiện điều đó.
"Khi sự việc không diễn ra như họ mong muốn, họ đổi lỗi cho những người xung quanh", giáo sư giải thích, và thêm rằng trong nhiều trường hợp thì cha mẹ của những thanh niên bạo lực đã không thể hướng dẫn con cái mình cách kiềm chế bản thân.
Trùng quan điểm với Sakuta, giáo sư tâm lý học Masafumi Usui thuộc Đại học Niigata Seiryo cho rằng kẻ cuồng sát có thể đã bất mãn với vị trí của y trong xã hội, ghen tức với những người cùng lứa tuổi có công việc và cuộc sống tốt đẹp hơn.
"Ngày nay một số thanh niên không nỗ lực để đạt mục đích của mình, họ cho rằng làm những công việc lương thấp là hèn kém", Usui nói. "Họ không hài lòng với những nghề nghiệp thông thường. Họ nhất định muốn trở thành thứ gì đó thật đặc biệt".
Những thanh niên không cảm nhận được tình yêu của cha mẹ, bạn bè hay thầy cô giáo dành cho họ cũng thường dùng đến bạo lực. "Đó là mặt trái của một xã hội giàu có, trong đó cha mẹ dễ chiều và làm hư con cái", Usui nhận xét. "Nếu bọn trẻ không cảm thấy được yêu chiều, chúng liền nổi cáu" và bất mãn với bản thân.
Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội cũng là một trong những yếu tố gây nên các cuộc chém giết vô cớ mà trong đó thanh niên là thủ phạm, trong những năm gần đây, Susumu Oda, nhà tâm lý học ở Osaka nhận xét.
"Giới trẻ cảm thấy họ đang đứng ở chân tường, không có cách nào thoát ra được", ông nói. Kẻ cuồng sát Kato có thể đã cảm thấy cô độc khi sống trong căn nhà tập thể của nhà máy. Đối với những kẻ như vậy, hành động giết người có thể là cách để cảm thấy được tham gia vào xã hội và đạt mục tiêu cá nhân, Oda phân tích.
Còn có những phỏng đoán về việc tại sao Kato chọn nơi thực hiện hành động thảm sát là ở khu Akihabara. Đây là thánh địa của đồ điện tử và các fan (otaku)hoạt hình của Nhật. Kato nghĩ otaku là các thành viên tích cực của xã hội nên nhắm vào họ để chém giết; hoặc giả y chọn khu này bởi bản thân là một kẻ nghiện Internet.
. Theo VnExpress |