Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và tình trạng trầm cảm là mối quan hệ qua lại. Bệnh nhân bị tiểu đường type 2 có nguy cơ bị trầm cảm cao. Ngược lại, người thường xuyên lâm vào trạng thái suy nhược tinh thần cũng dễ mắc bệnh tiểu đường.
Kết luận nghiên cứu mới của Khoa Y trường đại học New York cùng với Khoa Y trường đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã cảnh báo các bác sĩ và bệnh nhân nên lưu tâm đến mối đe dọa kép nói trên.
Các tác giả nghiên cứu khẳng định bệnh tiểu đường type 2 và chứng trầm cảm cấp tính thường đi đôi với nhau mặc dù họ chưa biết chính xác cái nào trong 2 yếu tố trên đến trước.
Trước đây, có một số nghiên cứu phát hiện ra rằng bệnh nhân bị tiểu đường có thể sống lâu hơn nếu được điều trị chứng rối loạn trầm cảm.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tiến hành 2 đợt phân tích dữ liệu.
Đợt 1 liên quan đến dữ liệu cua 5.201 người ban đầu không mắc bệnh tiểu đường type 2. Kết quả phát hiện là 54% những người được điều trị bệnh tiểu đường type 2 bị mắc chứng trầm cảm sau 3 năm trong khi những người không điều trị bệnh tiểu đường thì không mắc chứng trầm cảm.
Đợt 2 có 4.847 người tham gia nghiên cứu. Kết quả là những đối tượng bị trầm cảm gia tăng có nguy cơ bị mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn 42% so với những người không bị trầm cảm. Càng trầm cảm nặng càng dễ mắc bệnh tiểu đường. Sau khi loại trừ các biến số gây ảnh hưởng đến kết quả phân tích như tình trạng béo phì, thói quen lười vận động và hút thuốc, tỉ lệ nguy cơ mắc bệnh tiểu đường còn 34%.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ số ra ngày 18.6 khuyên rằng nên lồng ghép nhiều hình thức chăm sóc sức khỏe khác nhau đối với bệnh nhân. Ví dụ như khi chữa trị chứng trầm cảm cho một người, các bác sĩ cần phải giúp họ có những hành vi tốt cho sức khỏe còn khi chữa bệnh tiểu đường cho bệnh nhân, nhất thiết phải chú ý đến sức khỏe tâm thần của họ để ngăn không cho họ lâm vào tình trạng trầm cảm.
|