Lồng ruột là bệnh rất phổ biến ở trẻ em. Việc phát hiện và điều trị bệnh sớm sẽ giảm các yếu tố nguy cơ tác động đến sức khỏe của trẻ.
Lồng ruột là một trạng thái bệnh lý mà đoạn ruột trên chui vào lòng đoạn ruột dưới khiến các mạch máu cũng bị cuốn theo, hậu quả tạo nên sự thắt nghẹt các mạch máu, gây tổn thương đoạn ruột bên dưới và chảy máu.
Bác sĩ Phạm Văn Phú, Phó trưởng khoa Ngoại - Tổng hợp, BVĐK tỉnh, cho biết: “Bệnh thường gặp ở trẻ em 4-12 tháng tuổi. Đây là lứa tuổi chuyển từ chế độ bú sữa sang ăn dặm nên ruột dễ co bóp bất thường. Đặc biệt, các bé nam bụ bẫm, háu ăn do nhu động ruột mạnh nên càng dễ bị bệnh lồng ruột. Ngay trong trường hợp cha mẹ hoặc người trông trẻ nô đùa làm trẻ cười nhiều quá hoặc tung trẻ lên cao, rung lắc mạnh… cũng khiến trẻ bị bệnh. Mặt khác, khi trẻ dưới 4 tháng tuổi, ruột non và ruột già tương đối bằng nhau, nhưng từ 4 tháng trở đi kích thước ruột già lớn nhanh để thích nghi với việc chứa phân nên dễ dẫn đến bệnh lồng ruột. Đáng chú ý, trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên, hay những trẻ bị nhiễm độc tố thương hàn cũng gây ra lồng ruột…”.
Khi trẻ mắc bệnh lồng ruột thường có các biểu hiện: đau bụng từng cơn, nôn, bỏ bú. Bệnh thường xảy ra đột ngột khiến nhiều trẻ đang khỏe mạnh, chơi đùa bình thường bỗng khóc thét, lặng người đi, ưỡn nửa người. Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, khi có những biểu hiện trên mà trẻ vẫn không được đưa đến bệnh viện để điều trị thì khoảng 6 tiếng sau trẻ có thể đi cầu ra máu. Đây là dấu hiệu muộn của bệnh lồng ruột.
Do vậy, nếu trẻ được phát hiện và nhập viện sớm trước 24 giờ thì việc điều trị đơn giản hơn. Các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp tháo lồng bơm hơi, bơm hơi vào ruột với áp lực cho phép để đẩy khối lồng ra lại. Phương pháp này an toàn và tỉ lệ thành công là trên 90%. Tuy nhiên, nếu trẻ nhập viện muộn sau 24 giờ, mạch máu không tới nuôi được thì đoạn ruột sẽ bị hoại tử. Những trường hợp này bắt buộc phải mổ. Nếu đoạn ruột sau khi mổ được phục hồi thì vẫn giữ nguyên nhưng nếu đoạn ruột không hồi phục được thì phải cắt bỏ, nhất là khi đoạn ruột non hoại tử qua cả một đoạn của ruột già, bác sĩ sẽ phải phẫu thuật hai, thậm chí ba lần. Điều này rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Vì thế, theo bác sĩ Phú, ngoài phát hiện sớm, việc phòng bệnh rất cần thiết để tránh cho trẻ mắc bệnh lồng ruột. Cần phải cảnh giác cao với các bé nam bụ bẫm 4-12 tháng tuổi; giữ vệ sinh ăn uống và giữ ấm cho trẻ khi trời trở lạnh. Mặt khác, để ngăn chặn yếu tố nguy cơ gây bệnh lồng ruột, khi cho trẻ ăn dặm, lúc chuyển đổi sữa theo độ tuổi của trẻ, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý cho trẻ ăn từ từ với liều lượng tăng dần.
|