|
Phóng viên tác nghiệp tại Bệnh viện TP.Huế. |
Không phải chỉ có những người học báo mới trở thành nhà báo, đó là một thực tế bởi lẽ nghề báo có những đòi hỏi không phải ai cũng đáp ứng được. Theo một thống kê chưa đầy đủ chỉ có 30% sinh viên báo chí khi ra trường làm việc ở các cơ quan báo chí, số còn lại đều làm việc trái nghề.
Bị đào thải từ khi còn là... sinh viên
Có nhiều ngành nghề mà khi còn trên ghế nhà trường sinh viên không bộc lộ những tư chất đặc biệt nhưng khi ra trường có thể rất thành công trong công việc. Nhưng có lẽ nghề báo là một ngoại lệ.
Thầy Trần Hoà Bình (GV khoa Báo chí, HVBC&TT) vẫn thường nói với sinh viên: "Học đến năm thứ 3 trường báo mà chưa có tác phẩm nào được đăng báo đã là một thất bại". Rất nhiều phóng viên giỏi của các tòa soạn đã từng là những cây viết xuất sắc thời sinh viên, thậm chí đã có thể xuất bản các tập ghi chép, phóng sự. Có thể họ tốt nghiệp với tấm bằng không "đẹp" nhưng trong quá trình học họ là những người đam mê và thực sự dấn thân vào nghề báo. Lớp Báo chí K47 (ĐH KHXH&NV) đã từng có những CLB "3 triệu" của những người có thu nhập nhuận bút cao khi cộng tác với các báo.
Trong các lớp báo chí luôn hình thành hai thái cực. Một tích cực, say mê; một thờ ơ, lãnh đạm với nghề. Tống Thư (SV K23 HVBC&TT) chọn nghề báo bởi cô có người nhà làm lãnh đạo một tờ báo lớn. Tuy nhiên, suốt 4 năm học Thư chưa từng đi thực tế viết bài trừ một lần do việc thực tập bắt buộc. Ra trường Thư không thể đáp ứng được những yêu cầu của toà soạn và phải làm một công việc không hề liên quan đến báo chí. Không giống như Thư, Hoàng Nam (K46 ĐHKHXH&NV) muốn trở thành phóng viên bởi cậu nghĩ, con trai thi khối C, chọn trường báo là thích hợp nhất.
Nhưng trong khi bạn bè cùng lớp đều đã có những tác phẩm đầu tay Nam vẫn "giậm chân tại chỗ" bởi loay hoay không biết bắt đầu như thế nào, đến kỳ thực tập cũng phải cố gắng lắm mới đủ chỉ tiêu. Vừa ra trường, Nam đã xin vào một nhà xuất bản, anh chia sẻ: "Tôi cảm thấy công việc hiện tại phù hợp với mình hơn". Những quan niệm sai lầm khi lựa chọn nghề báo khiến nhiều sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã nhận ra mình không thể trụ được với nghề.
Đam mê chưa đủ trụ lại
Không phải ngẫu nhiên mà những năm trước đây HVBC&TT tổ chức kỳ thi năng khiếu cho những ai muốn theo học chuyên ngành báo chí. Có kiến thức và sự yêu thích nghề báo thôi chưa đủ, bởi năng khiếu mới chính là yếu tố quyết định thành công. Cùng một vấn đề, một nhân vật nhưng mỗi người lại có cách tiếp cận và khai thác khác nhau, năng khiếu mang lại sự nhạy cảm nghề nghiệp và nhờ đó mà người làm báo có thể mang đến cho độc giả những bài viết chân thực và sinh động nhất.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều yếu tố chi phối khiến những đam mê nghề báo dần nguội tắt trong lòng những người đã từng rất tâm huyết với nghề. Mai Anh (K23 HVBC&TT) đã từng nghĩ mình sẽ suốt đời gắn bó với nghề báo. Ra trường, chấp nhận làm CTV không lương cho một tờ báo lớn để học hỏi kinh nghiệm, cô luôn cố gắng đi thực tế thật nhiều để tìm tư liệu viết bài. Khắp các tỉnh của Tây Bắc, Đông Bắc đều in dấu chân cô.
Chưa được hỗ trợ công tác phí, những chuyến đi dài ngày đều do cô tự chi trả và những phóng sự ra đời trên mặt báo về miền đất xa xôi đã khẳng định nỗ lực của cô phóng viên trẻ yêu nghề. Nhưng có lẽ Mai Anh không phải là người may mắn bởi những cố gắng của cô không hề được ghi nhận. Cô cho biết: "Tôi quyết định sẽ đi du học để tìm một công việc khác để chứng tỏ năng lực của mình".
Bất cứ nghề nghiệp nào cũng cần có sự đam mê nhưng có lẽ giữ lửa đam mê trong nghề báo là điều thực sự khó khăn bởi quy luật đào thải khắc nghiệt của nghề. Và bởi vậy khi nói về nghề báo người ta thường nói đó là "nghề chọn người".
. Theo Lao Động
* Để tưởng nhớ các nhà báo đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, một đài tưởng niệm đã được khánh thành tại thủ đô London, Anh, ngày 17.6. Đài tưởng niệm là một ngọn tháp cao 10m, làm bằng thép và kính, được đặt trên nóc tòa nhà hãng truyền thông BBC. Tháp sẽ sáng đèn 30 phút hàng đêm khi BBC phát bản tin cuối ngày.
* 2007 là năm có số nhà báo tử nạn lớn nhất từ trước đến nay. Theo thống kê của Tổ chức Press Emblem Campaign, ít nhất 110 nhà báo đã thiệt mạng khi đang tác nghiệp, tăng 14% so với năm 2006. Iraq tiếp tục đứng đầu danh sách quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo với khoảng 50 người thiệt mạng. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Iraq cho tới cuối 2007, ít nhất 250 nhà báo đã hy sinh khi đang tác nghiệp tại đây. | |