|
Chăm sóc chân |
Mùa hè đã đến rồi. Nhiều người trong chúng ta liền bỏ ngay đôi giày mỗi khi cần đi biển hay đi dạo công viên. Đó có phải là một điều tốt?
Sau đây là một số hiểu biết sai lầm và lời khuyên về chăm sóc chân sao cho tốt cho sức khỏe.
1. Đi dép xỏ ngón xẹp hoặc đi chân tốt cho đôi chân
Đây là một quan niệm sai lầm phổ biến vì chúng ta thường nghe nhiều đến vấn đề sức khỏe bị ảnh hưởng khi đi giày cao gót nên cho rằng đi dép xỏ ngón hoặc đi chân không thì sẽ không sao. Tuy nhiên, dép xỏ ngón hay chân không cũng gây tác động tiêu cực đến sức khỏe. Dép xỏ ngón không nâng đỡ bàn chân, gây ra chứng căng cơ gan bàn chân, bong gân mắt cá chân và đau dây chằng. Mang dép xỏ ngón còn làm đau và phồng giộp gót chân, viêm tấy kẽ ngón chân. Đi chân không dễ khiến bạn bị chảy máu, bị trầy xước, bị bầm tím vì giẫm phải đinh, gai hay đá phải vật gì. Da chân bạn cũng dễ bị dị ứng vì bị tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây dị ứng.
Lời khuyên: Chỉ nên đi dép xỏ ngón trong vài giờ chứ không nên đi suốt và chỉ nên đi chân không quanh nhà, ở những nơi an toàn. Còn nếu bạn bị bệnh tiểu đường hay bị viêm dây thần kinh ngoại biên thì tuyệt đối phải mang giày mọi lúc mọi nơi.
2. Ngâm chân và chà tẩy các cục chai ở chân không cần tư vấn bác sĩ-an toàn và hiệu quả
Trên thực tế, nếu bạn thực hiện việc ngâm và chà tẩy các cục chai chân ở nhà thì kết quả đạt được chỉ là làm bong da chứ không làm mất đi các cục chai.
Cục chai ở chân hình thành từ khối da có một nhân cứng. Nó thường xuất hiện do da ngón chân hay da ở mắt cá ma sát vào giày. Để vĩnh viễn loại bỏ cục chai, cần phải chấm dứt ngay việc để cho da bị chà xát vào giày bằng cách điều chỉnh các ngón chân bị quặp hoặc mang giày rộng hơn.
3. Chân không cần kem chống nắng
Tỉ lệ tử vong ở các bệnh nhân bị ung thư da ở vùng cẳng chân và bàn chân thông thường rất cao. Tuy nhiên, có nhiều người quên không thoa kem chống nắng ở những vùng da được cho là ít có nguy cơ.
Vì vậy, luôn luôn nhớ mỗi 2-3 tiếng đồng hồ, phải thoa kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF ít nhất là 15 nhằm bảo vệ da chân khỏi tia UVB và UVA. Trong trường hợp bạn đi nghỉ ở bãi biển, đi bơi hay tham gia những hoạt động ngoài trời đổ nhiều mồ hôi, cần phải thoa kem chống nắng thường xuyên hơn.
4. Sử dụng các dụng cụ làm móng chung với người khác tại các điểm làm móng tay, móng chân
Không phải cơ sở thẩm mỹ hay tiệm làm móng tay, móng chân nào cũng có đồ nghề làm móng đảm bảo tiệt trùng sạch sẽ. Hậu quả là bạn có thể bị nhiễm nấm móng hay bị viêm kẽ móng do vi khuẩn truyền từ các dụng cụ không vệ sinh. Tốt nhất là bạn nên mua riêng cho mình một bộ đồ làm móng và yêu cầu những người thợ làm móng cho bạn làm sạch chậu ngâm móng trước khi sử dụng phục vụ cho bạn.
5. Cắt sát móng theo đường thẳng
Nếu bạn cắt móng chân quá sát thì móng sẽ có nhiều nguy cơ mọc ngược vào bên trong thay vì đâm ra ngoài. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người bị bệnh tiểu đường. Đôi khi móng mọc ngược vào trong gây viêm và cần phải mổ can thiệp.
Vì vậy, nên để móng dài một chút và cắt theo chiều cong tự nhiên của ngón chân.
6. Ngâm chân vào dấm hay nước chanh giúp khử trùng nấm móng chân
Dấm hay nước chanh không thể ngấm qua các lớp móng chân để lọt vào vùng bị viêm. Nếu không được chữa trị đúng cách, vùng móng bị viêm hay bị nấm có thể lan sang vùng móng lành.
Việc bạn cần phải làm là đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được xác định chính xác loại nấm móng mà bạn nhiễm phải. Cần phải tuân thủ đúng lời khuyên của bác sĩ để tránh cho bệnh tái đi tái lại nhiều lần.
|