Ứng phó với sốt xuất huyết trong mùa hè
10:40', 26/6/ 2008 (GMT+7)

Đến thời điểm này, tại một số tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã tăng vọt. Ở tỉnh ta, điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường trong thời gian qua cũng là yếu tố nguy cơ bùng phát dịch SXH.

Tính đến ngày 22.6, theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, tổng số người mắc SXH tính từ đầu năm là 83 trường hợp. Riêng từ đầu tháng 6 đến nay, toàn tỉnh đã có 15 trường hợp mắc SXH.

Hiện nay, mỗi tuần, khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh tiếp nhận và điều trị 2-3 trường hợp mắc SXH. Tuy không ồ ạt so với cùng kỳ năm 2007, nhưng trong số các ca SXH đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm có không ít trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị xuất huyết.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh, cho biết: “Thường, bệnh nhân nhập viện khi bệnh ở độ nhẹ, nhưng cũng có một vài trường hợp có dấu hiệu xuất huyết”. 

Theo bác sĩ Trần Biểu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến thời điểm này, bệnh SXH chỉ xuất hiện rải rác ở một số địa phương, trong đó tập trung chủ yếu ở thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và Phù Cát. So với năm 2007, khả năng xảy ra dịch SXH trong năm nay không nhiều. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng kèm những cơn mưa rào trong thời gian vừa qua tại một số nơi, cùng với diễn biến phức tạp của thời tiết trong thời gian đến sẽ tạo môi trường thuận lợi cho tác nhân truyền bệnh SXH là muỗi Aedes nảy nở và phát triển. Mặt khác, dù ý thức người dân về phòng chống bệnh SXH đã được nâng cao, nhưng vẫn còn không ít người khá chủ quan.

Để chủ động phòng chống dịch SXH, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác giám sát, phát hiện bệnh; củng cố thuốc men, hóa chất, nhân lực. Đối với từng trường hợp nhập viện do nghi ngờ SXH, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp cùng ngành y tế địa phương tiến hành song song các biện pháp bao vây khống chế, phun hóa chất và điều tra các chỉ số muỗi gây bệnh. Hoạt động giám sát chặt chẽ, thường xuyên tình hình diễn biến của dịch bệnh được xem là một giải pháp quan trọng trong thời điểm hiện nay. Đối với các BVĐK tuyến tỉnh và khu vực, Sở Y tế cũng yêu cầu phải tăng cường chẩn đoán sớm và điều trị đúng, kịp thời, không để tử vong…

“Thường tháng 6 mới chỉ là đầu mùa của bệnh SXH, cao điểm của dịch vẫn là từ tháng 7 đến tháng 9. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dịch SXH đã bùng phát dữ dội tại nhiều tỉnh, thành phía Nam. Do đó, chúng ta không được chủ quan mà phải nâng cao ý thức đề phòng bệnh SXH trong suốt mùa hè”- thạc sĩ Trần Biểu lưu ý. Tốt nhất người dân phải tăng cường diệt lăng quăng, bọ gậy thường xuyên ở những nơi chứa nước, thu gọn dụng cụ phế thải, phát quang bụi rậm. Đồng thời khi phát hiện bệnh nhân mắc bệnh SXH, không được để ở nhà tự điều trị mà phải đưa ngay đến các cơ sở y tế, tránh tình trạng tử vong do phát hiện muộn.

  • T.Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mặt người trở thành thiết bị điều khiển từ xa  (26/06/2008)
Phát minh mới của Mỹ giúp tiêu diệt nháy mắt mầm bệnh có trong thực phẩm  (26/06/2008)
Xe hơi biết tự đọc bảng hiệu giao thông và nhắc nhở tài xế hạn chế tốc độ  (25/06/2008)
10 cách sơ cấp cứu sai lầm thường gặp  (25/06/2008)
Người Việt sẽ có thẻ ADN  (25/06/2008)
Nóng bỏng sốt xuất huyết các tỉnh phía Nam  (25/06/2008)
Bình Định nắng nóng 38 độ C  (25/06/2008)
Cứ 7 người lại có 1 máy vi tính  (25/06/2008)
Sáng kiến đông khô máu giúp chữa lành mau chóng vết thương  (25/06/2008)
Đã có vaccine 5 trong 1 dành cho trẻ em  (24/06/2008)
Tính cách có quyết định loại bệnh tật mà bạn sẽ nhiễm phải không?  (24/06/2008)
10 cách xả giận trong đời sống gia đình  (24/06/2008)
Một số mẹo xoay sở có được bữa ăn tốt cho sức khỏe với hầu bao eo hẹp  (23/06/2008)
Nắng nóng hoành hành ở miền Bắc  (23/06/2008)
Cặp sách cũng là phao cứu sinh  (23/06/2008)