Tầm soát ung thư vú ở phụ nữ
10:47', 26/6/ 2008 (GMT+7)

Ung thư vú (UTV) đứng hàng thứ hai (sau ung thư cổ tử cung) về số người mắc bệnh nhưng lại đứng ở ngôi đầu bảng vì mức độ nguy hiểm và tử vong trong các bệnh ung thư ở phụ nữ. Do đó, việc tầm soát bệnh UTV, nhất là đối với phụ nữ ở độ tuổi từ 40 trở lên rất cần thiết.

 

Siêu âm vú bằng đầu dò riêng đểâ xác định tổn thương ở vú. Ảnh: T.Hiền

 

* Phát hiện bệnh do... tình cờ

Cách đây vài năm, chị N.T.Đ, 48 tuổi, trú tại khu vực 6, phường Quang Trung (TP Quy Nhơn) sờ thấy có một khối u ở vú. Ban đầu, khối u rất nhỏ, không đau khiến chị cứ tưởng mình bị bệnh chàm. Nhưng rồi, khối u ngày càng lớn và có những dấu hiệu bất thường, chị đi khám thì phát hiện mình bị bệnh UTV.

Hơn một năm sau khi phẫu thuật một bên vú bị ung thư, bệnh chị Đ lại tái phát. Mới đây, chị phải nhập viện điều trị tại khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh với chẩn đoán bệnh đã di căn sang gan và đang ở giai đoạn rất nặng. Hiện, tại khoa Ung bướu của bệnh viện, ngoài chị Đ còn có một bệnh nhân khác đang điều trị bệnh UTV ở giai đoạn nặng là bà T.T.N.P, 62 tuổi, ở huyện Hoài Ân.

Ước tính khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh, bình quân mỗi tháng tiếp nhận và phẫu thuật điều trị khoảng 10 trường hợp phụ nữ bị UTV. Thạc sĩ Võ Thái Huy, Phó trưởng khoa Ung bướu, cho biết: “Phụ nữ ở độ tuổi 40-49 có nguy cơ mắc UTV cao nhất. Nguy cơ càng tăng khi tuổi càng cao. Qua tìm hiểu, hầu hết bệnh nhân rất ít hiểu biết về bệnh UTV nên thường nhập viện trong tình trạng bệnh đã muộn, khi khối u đã to, thay đổi toàn thể hình dạng giải phẫu của tuyến vú, di căn hạch nách, hạch cổ, thậm chí di căn ở gan, xương, não… Với những trường hợp này, việc điều trị gần như không hiệu quả và có thể tái phát bệnh sau khi đã phẫu thuật”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản tỉnh, phân tích: “Nhiều chị em trong ngành cũng không “để ý” đến sức khỏe của “đôi gò bồng đảo” nên việc phát hiện bệnh UTV cũng rất tình cờ, trong lần đi khám sức khỏe, hay chỉ đơn thuần “tiện thể” trong các chuyến công tác vào TP.HCM”.

* Tầm soát UTV

Theo số liệu nghiên cứu chung tại một số tỉnh thành ở nước ta, hàng năm cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 người phát hiện bị UTV. Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến UTV không rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh UTV, như: tiền sử trong gia đình đã có người bị UTV (mẹ, chị em gái); phụ nữ hành kinh sớm, có con muộn sau tuổi 35; phụ nữ không sinh đẻ, bị béo phì. Ngoài ra, việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại, chất phóng xạ, nghiện hút thuốc lá… cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh UTV ở phụ nữ.

Ở giai đoạn đầu của bệnh UTV hầu như không có triệu chứng rõ rệt. Theo bác sĩ Võ Thái Huy, nếu bệnh được phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ, đúng thời gian và kết quả mô bệnh học của UTV thì có thể đạt kết quả tốt và không bị tái phát. Do đó, việc tầm soát để phát hiện sớm bệnh UTV mang lại hiệu quả rõ rệt, tránh các trường hợp muộn, di căn, phải đoạn nhũ, ảnh hưởng cả về sức khỏe lẫn tinh thần của người phụ nữ.

Cần đến bác sĩ ngay khi thấy bất cứ triệu chứng nào sau đây: có sự thay đổi hình dáng của vú; chất dịch tiết ra ở núm vú hoặc núm vú thụt vào; thay đổi da ở vú, quầng vú, núm vú (đỏ, sưng, ngứa); một cục hoặc một chỗ dày lên ở trong vú hoặc trong nách; có những cơn đau vú ngắt quãng.

Bác sĩ Huỳnh Thị Ngọc Thu, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe trẻ em-Phòng chống suy dinh dưỡng, kiêm phụ trách chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, cho biết: “Hiện nay, chụp nhũ ảnh là phương pháp tốt để rà tìm các xáo trộn của vú ở giai đoạn từ rất sớm, giúp việc chẩn đoán và điều trị dễ dàng, thuận lợi hơn. Nhũ ảnh có thể cho thấy vài đốm vôi li ti trong vú. Với những trường hợp có mô tuyến vú dày, khó phát hiện được các tổn thương ở vú người bệnh thì buộc phải sử dụng kèm biện pháp siêu âm đầu dò riêng”.

Bác sĩ Thu cũng khuyến cáo, đối với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nếu không có dấu hiệu của bệnh thì nên đi chụp nhũ ảnh tầm soát UTV 2 năm/lần. Đối với phụ nữ ở độ tuổi này, có những dấu hiệu của bệnh thì thời gian chụp nhũ ảnh để tầm soát UTV được rút ngắn 1 năm/lần. Riêng đối với phụ nữ dưới 40 tuổi, các bác sĩ đưa ra lời khuyên không nên chụp nhũ ảnh tầm soát định kỳ nếu không có các yếu tố nguy cơ nói trên, hoặc nếu có chỉ nên chụp khu trú tại vùng bị sang thương.

Tất nhiên, chụp nhũ ảnh cũng có một số hạn chế, như có thể bỏ sót vài ung thư (âm tính giả), hoặc ghi nhận các dấu hiệu ung thư mà thực sự là xáo trộn lành tính (dương tính giả). Do đó, để giảm nguy cơ bị UTV, phụ nữ nên tập thể dục mỗi ngày và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, loại bớt mỡ ra khỏi khẩu phần ăn, sử dụng nhiều rau quả tươi có chứa nhiều chất xơ và sinh tố A, C. Có lối sống lành mạnh. Cho con bú và giữ thời gian biểu kiểm tra vú đúng định kỳ cũng là biện pháp ngừa UTV.

  • Bảo Nguyên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ứng phó với sốt xuất huyết trong mùa hè  (26/06/2008)
Mặt người trở thành thiết bị điều khiển từ xa  (26/06/2008)
Phát minh mới của Mỹ giúp tiêu diệt nháy mắt mầm bệnh có trong thực phẩm  (26/06/2008)
Xe hơi biết tự đọc bảng hiệu giao thông và nhắc nhở tài xế hạn chế tốc độ  (25/06/2008)
10 cách sơ cấp cứu sai lầm thường gặp  (25/06/2008)
Người Việt sẽ có thẻ ADN  (25/06/2008)
Nóng bỏng sốt xuất huyết các tỉnh phía Nam  (25/06/2008)
Bình Định nắng nóng 38 độ C  (25/06/2008)
Cứ 7 người lại có 1 máy vi tính  (25/06/2008)
Sáng kiến đông khô máu giúp chữa lành mau chóng vết thương  (25/06/2008)
Đã có vaccine 5 trong 1 dành cho trẻ em  (24/06/2008)
Tính cách có quyết định loại bệnh tật mà bạn sẽ nhiễm phải không?  (24/06/2008)
10 cách xả giận trong đời sống gia đình  (24/06/2008)
Một số mẹo xoay sở có được bữa ăn tốt cho sức khỏe với hầu bao eo hẹp  (23/06/2008)
Nắng nóng hoành hành ở miền Bắc  (23/06/2008)