Kết quả điều tra về gia đình Việt Nam 2006 cho thấy, 1/5 các ông bố và 7% các bà mẹ hoàn toàn không dành một chút thời gian nào cho việc chăm sóc con cái do họ phải lo kiếm sống.
Đây là một trong số các kết quả được đưa ra trong cuộc điều tra toàn quốc đầu tiên về gia đình do Vụ gia đình (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), Tổng Cục thống kê, Viện nghiên cứu gia đình Australia và Viện nghiên cứu gia đình và giới tiến hành năm 2006 với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Kết quả nghiên cứu được công bố sáng nay (26.6) tại Hà Nội.
Cuộc điều tra mang tính đại diện này đã phỏng vấn 9.300 hộ gia đình ở 64 tỉnh, thành. Các đối tượng được phỏng vấn là người lớn, trẻ vị thành niên và các bậc cao tuổi.
Nhiều quan niệm thay đổi theo chiều hướng tiến bộ
Hầu hết những người được phỏng vấn cho rằng, việc nuôi dạy con cái là một chức năng quan trọng của gia đình… Đáng lưu ý là quan niệm về số con đã thay đổi đáng kể. Chỉ có 18,6% người có tuổi, 6,6% người tuổi từ 18-60 và 2,8% vị thành niên cho rằng gia đình cần phải có nhiều con.
Số liệu điều tra cũng cho thấy, ngày nay các gia đình quan tâm nhiều hơn đến việc làm thế nào để chăm sóc con cái một cách đầy đủ và nuôi chúng khôn lớn. Đại đa số những người muốn duy trì một gia đình lớn đều sống ở nông thôn.
Mặc dù tâm lý thích con trai vẫn còn tồn tại song có hơn 63% số người được phỏng vấn tuổi từ 18-60 đã phản đối quan niệm truyền thống này.
Các bậc cha mẹ đặc biệt quan tâm tới giáo dục con cái, mặc dù các gia đình nông thôn và dân tộc thiểu số ít có điều kiện quan tâm hơn.
Cha mẹ có học vấn, thu nhập cao thường quan tâm nhiều hơn tới giáo dục của con cái.
Một kết quả đáng khích lệ là 58% vị thành niên có hiểu biết về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Tỷ lệ này cao nhất ở vùng Đông Bắc Bộ (79,7%), sau đó là vùng Đồng bằng sông Hồng (67,1%) và thấp nhất là vùng Tây Bắc (48,8%).
Bạo lực gia đình vẫn nổi cộm
Một vấn đề nữa nổi lên trong cuộc điều tra là bạo lực gia đình. Trong cuộc điều tra, 21,2% các cặp vợ chồng kết hôn cho biết họ đã trải qua một trong những hình thức bạo lực gia đình được xác định trong Luật về Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 (đánh, mắng, chửi, nhục mạ và buộc chấp nhận quan hệ tình dục khi không có nhu cầu/ép quan hệ tình dục). Ngoài ra, có 26,2% người vợ “im lặng giận dỗi” trong vài ba ngày so với tỷ lệ này ở người chồng là 16,7%. 3,4% nam giới đánh vợ, trong khi có 0,6% phụ nữ đánh chồng; 15,1% người chồng chửi mắng vợ, trong khi tỷ lệ vợ mắng chửi chồng là 8,5%.
Theo ý kiến của những người được phỏng vấn thì say rượu (ở nam giới), các quyết định kinh doanh sai lầm, mâu thuẫn trong sinh hoạt, vấn đề tiền bạc, ngoại tình, cờ bạc là nguyên nhân của mâu thuẫn và xung đột.
Phó đại diện UNICEF tại Việt Nam Maniza Zaman cho rằng, một trong các giải pháp chính là làm thay đổi thái độ, quan niệm của xã hội đối với hành vi bạo lực gia đình để hành vi đó không còn được coi là bình thường hay có thể chấp nhận trong cuộc sống gia đình như vẫn thường diễn ra từ trước tới nay.
Điều tra cũng cho thấy, trong các trường hợp bạo lực gia đình thì các cặp vợ chồng hiếm khi nhờ đến sự can thiệp của cha mẹ, bạn bè hoặc chính quyền vì họ sợ bị “mất mặt” hoặc không muốn “vạch áo cho người xem lưng”.
. Theo VOV |