Ngày 25.6 vừa qua, 19 gia đình văn hóa xuất sắc 5 năm liền (2003-2007) tiêu biểu cho hàng ngàn gia đình văn hóa trong tỉnh đã được tôn vinh nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28.6). Báo Bình Định xin giới thiệu cùng bạn đọc 4 trong số 19 “tế bào xã hội” đặc sắc ấy.
* Sống “tốt đời đẹp đạo” và biết lo cho mọi người
Đó là cách nghĩ cũng như lối sống của gia đình ông Nguyễn Minh, thôn Liên Trì, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát.
|
Các gia đình tiêu biểu được tôn vinh nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28.6.2008. Ảnh: Tấn Tuấn |
Gia đình ông Minh sống chủ yếu bằng nghề nông. Với 0,3 ha ruộng và 0,1 ha đất màu nhưng nhờ tiếp thu KHKT, cấp 1 hóa giống lúa và đầu tư thâm canh, gia đình ông đã cải thiện vùng ruộng đất bạc màu trở thành trù phú, năng suất bình quân đạt 55-60 tạ/ha. Cùng với việc trồng lúa, gia đình ông còn thực hiện mô hình kinh tế VAC để tăng thu nhập. Nhờ thế ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang và đầu tư cho con ăn học nên người. Con trai đầu của ông đang là sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP HCM còn cô con gái thứ hai đang học lớp 12. Gia đình ông là một trong những gia đình có đạo luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các phong trào ở địa phương gây sức lan tỏa lớn.
Nhiều vụ việc mâu thuẫn nhỏ xảy ra trong nội bộ nhân dân, hoặc trong các gia đình, từ chuyện mẹ chồng - nàng dâu, con cái ngược đãi cha mẹ cho đến tranh chấp hàng rào, lối đi, táng cây… được ông tham gia hòa giải thành công.
* Sẻ chia cùng đồng bào dân tộc thiểu số
Gia đình ông Đinh Nhớ ở làng 1, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh là một trong số hai gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được tôn vinh gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu. Không cam chịu với đói nghèo, gia đình ông đã quyết tâm biến sỏi đá thành gạo cơm qua việc cải tạo đồng ruộng, triền đồi dốc đứng thành đất sản xuất. Hai vụ Đông - Xuân và Thu - Đông vừa qua, lần đầu tiên vùng đất sỏi đá đã cho lúa, năng suất bình quân 2 tạ/sào. Ngoài trồng trọt, tận dụng đất vườn nhà rộng, gia đình ông chăn nuôi bò. Từ vài con bò giống đầu tiên, đến nay, đàn bò của gia đình ông đã được nhân lên thành 15 con. Có cái ăn, cái mặc, gia đình ông đã nâng dần chất lượng cuộc sống bằng việc xây dựng phòng tắm, nhà vệ sinh tự hoại.
Không những giỏi chuyện làm ăn, gia đình ông còn được bà con địa phương “nể trọng” trong việc tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, cùng chăm lo đời sống xây dựng đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số.
* Lo cho mọi người
Trước đây, gia đình ông Trần Đình Thậm, thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn thuộc diện nghèo của xã. Vốn là một công chức, thời bao cấp, đồng lương ít ỏi không đủ nuôi sống gia đình, ông Thậm nghỉ việc. Không vốn, không nghề, gia đình ông rơi vào cảnh túng thiếu phải chạy ăn từng bữa.
Vậy rồi, gia đình ông dần khá lên nhờ nghề chăn nuôi. Bây giờ, ông tự hào từ hai bàn tay trắng đã có của ăn của để, lo cho hai con ăn học đến nơi đến chốn. Không hài lòng với sản nghiệp đã có, gia đình ông luôn tranh thủ tham gia các lớp tập huấn, tham khảo các tài liệu sách báo bày vẽ cách làm ăn để bổ sung vào vốn kiến thức còn hạn hẹp.
Ông quan niệm, xã hội tốt khi tất cả mọi người có cuộc sống khấm khá. Vì thế, gia đình ông không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm làm giàu tích cóp được cho bà con, đồng thời bỏ vốn giúp 9 hộ gia đình nghèo ở các xã xung quanh có vốn và việc làm ổn định. Ở nông thôn, việc chấp nhận sinh con “một bề” toàn gái như vợ chồng ông Thậm không phải đơn giản. Tuy nhiên, ông cho rằng điều quan trọng là các con được chăm lo, giáo dục đầy đủ, chứ không phải là nam hay nữ. Bây giờ, hai cô con gái của ông đã trưởng thành. Cô lớn đang học Trường Cao đẳng Du lịch tại TP HCM và cô út đang học lớp 12.
* Ba thế hệ đồng lòng
Đó là gia đình bà Đặng Thị Sỹ, ở số nhà 72 Nguyễn Thị Định, tổ 53, khu vực 9, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn.
Cách đây 10 năm, ông Huỳnh Xuân - chồng bà Sỹ- 80 tuổi, bị tai biến nằm liệt một chỗ. Ngày ông còn khỏe, lương hưu của hai vợ chồng tạm đủ sống nhưng từ ngày ông trở bệnh, cuộc sống gia đình ngày một khó khăn. Con trai làm ở Sở Điện lực, con dâu buôn bán, 2 cháu nội đều đi học, một mình bà Sỹ phải quán xuyến hết mọi công việc trong gia đình.
Bận tối mắt tối mũi với công việc gia đình, nào làm vệ sinh, lo ăn sáng cho chồng, rồi chợ búa cơm nước, nhưng bà Sỹ vẫn không quên trách nhiệm xã hội đối với địa phương. Từ năm 2000-2008, bà là tổ trưởng tổ 53 và là chi hội phó người cao tuổi 7 năm liền. Công việc nào bà Sỹ cũng hoàn thành tốt. Có những khi vừa phải chăm chồng ở bệnh viện, bà Sỹ lại tất tả ngược xuôi vận động bà con thực hiện nghĩa vụ của người công dân. Ở tuổi lục tuần nhưng việc nào bà Sỹ cũng “xắn tay” cùng làm. Trong khối phố có hộ tang gia khó khăn, bà vận động bà con ủng hộ, rồi tự mình lo cờ, quạt chuẩn bị đám tang.
|