Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu, các giá trị và chuẩn mực gia đình ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi, trong đó có sự thay đổi về mô hình gia đình.
Nếu như trước đây, gia đình Việt Nam chỉ tồn tại một mô hình duy nhất đàn ông làm chủ, đóng vai trò nòng cốt trong việc làm kinh tế và quyết định những việc quan trọng trong gia đình, thì hiện nay đã xuất hiện những mô hình gia đình mới với phụ nữ làm chủ hoặc cả hai cùng làm chủ.
Phụ nữ làm chủ tốt hơn đàn ông?
Trái với quan niệm truyền thống về người đàn ông làm chủ gia đình, hiện nhiều phụ nữ đã làm chủ gia đình tốt hơn nam giới. Thực tế cuộc khảo sát Gia đình Việt Nam 2006 cho thấy, hiện tượng phụ nữ làm chủ không phải là hiếm, kể cả ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc.
Ở các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hải Phòng, Lạng Sơn, việc cải thiện địa vị trong xã hội và cộng đồng cũng là cơ sở để cải thiện địa vị phụ nữ trong gia đình.
Một nữ cán bộ chủ chốt phường Cát Bi, thành phố Hải Phòng cho biết: "Bây giờ phụ nữ rất được ưu ái, được tôn trọng và chúng tôi đã được tham gia vào các tổ chức của các ban, ngành, đoàn thể. Ví dụ như trong chi bộ Đảng, chúng tôi chiếm 20% đảng ủy viên, trong hội đồng nhân dân thì chúng tôi có tới 9/23. Khu trưởng chúng tôi cũng là một phụ nữ".
Trong hoàn cảnh sống mới, việc ai làm chủ gia đình không còn phụ thuộc nhiều vào giới tính, mà ở chỗ ai có khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn trong phương thức làm ăn, đem lại lợi ích tối đa cho gia đình. Nhiều người tin rằng phụ nữ làm chủ gia đình sẽ mang lại lợi ích cho gia đình hơn so với nam giới, vì phụ nữ biết tính toán, tiết kiệm.
Ngoài ra, người phụ nữ thường tình cảm hơn nên xử lý các công việc trong gia đình hiệu quả hơn. Một nữ cán bộ phường, thành phố Hải Phòng khẳng định: "Chúng tôi là những người cơm áo gạo tiền, tính toán, thu chi rất cặn kẽ. Vợ như tủ sắt trong tường. Chúng tôi quản lý được kinh tế, cách nuôi con lại tế nhị hơn, chứ đàn ông hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay... Còn chúng tôi thì nhẹ nhàng, tình cảm nên có kết quả lắm".
Chính vì vậy, phụ nữ làm chủ gia đình xuất hiện nhiều hơn trong các gia đình công tác xã hội, có trình độ học vấn cao, hộ gia đình kinh doanh buôn bán, hộ gia đình mà người vợ có đóng góp thu nhập cao, hoặc ngang bằng với chồng, hộ gia đình các tỉnh, thành phố miền Bắc.
Cả hai cùng làm chủ
Một mô hình khác là cả hai vợ chồng đều là chủ gia đình, có nghĩa là mô hình bình đẳng, các quyết định đều được bàn bạc và tuỳ từng vấn đề mà từng người quyết định. Cơ sở cho sự hình thành mô hình này là sự tương đồng về trình độ và các mặt khác giữa người vợ và người chồng, ngoài ra là nhận thức tiến bộ của người chồng về vai trò người phụ nữ.
Một nam trung niên, thành phố Hải Phòng tâm sự: "Trong xã hội trước kia, những gia đình có học thì cũng khác hơn những gia đình không có học, Còn bây giờ, tôi thấy trình độ, nhận thức giữa vợ và chồng gần như nhau nên quyền làm chủ trong gia đình không thuộc về một người nào cả, có khi cả hai vợ chồng cùng thuận mới được. Chỉ trừ những ông chồng vũ phu, còn những ông chồng hiểu biết thì thường tôn trọng ý kiến của vợ".
Một lý do khác để vai trò của vợ và chồng là như nhau trong gia đình, xuất phát từ bản thân nhiều nam giới không còn muốn một mình chịu trách nhiệm mọi gánh nặng trong gia đình. Họ thấy được lợi ích của việc chia sẻ trách nhiệm, vì sẽ có nhiều khả năng thành công trong công việc hơn, và khi thất bại thì không có việc quy trách nhiệm riêng cho mỗi người dễ dẫn đến mâu thuẫn gia đình.
Chính vì vậy, nhiều nam giới thực sự muốn chia sẻ vai trò người làm chủ gia đình với người vợ, và áp lực đóng vai trò là người làm chủ gia đình của nam giới dường như đã giảm đi đáng kể.
Một đàn ông đại diện Hội gia đình tỉnh Trà Vinh có ý kiến: "Coi như là vợ chồng đồng ý với nhau là chuyện không có chi mà thất bại, nếu thất bại thì không đổ thừa được cho ai. Khi hai vợ chồng cùng bàn bạc, cái ý nó phải sáng hơn rồi".
Biểu hiện bình đẳng giới
Người làm chủ gia đình đã có những thay đổi tại Việt Nam trong thời gian hiện nay, nó xuất phát từ quan điểm "Ai đóng góp nhiều công sức, làm ra nhiều tiền của thì người đó là chủ". Quan điểm này phản ánh khát vọng vươn tới công bằng của con người.
Nếu như trước đây những đóng góp về kinh tế không được thừa nhận thì cùng với sự phát triển của đất nước, việc tham gia hoạt động kinh tế của người phụ nữ được nhìn nhận chính xác hơn. Kiếm tiền và tham gia các hoạt động xã hội đã làm nên điều khác biệt giữa phụ nữ thời nay và thời xưa. Họ ý thức một cách rõ ràng vị trí và trách nhiệm của mình đối với gia đình, trong trường hợp này không thể phủ định quyền của người phụ nữ trong cuộc sống gia đình.
Một ông chồng người Hải Phòng cho biết: "Có những gia đình là ông chồng làm chủ, nhưng cũng có gia đình là bà vợ làm chủ, mà có khi là bà vợ làm chủ lại tốt hơn ông chồng làm chủ. Vì có những ông chồng đốn mạt, những ông chồng ấy mà làm chủ thì tan cơ nghiệp".
Tuy nhiên, đứng trước sự thay đổi không ngừng của xã hội, để gia đình bền vững thì ai làm chủ trong gia đình chưa phải là điều kiện quan trọng nhất, mà cần phải có sự tôn trọng lẫn nhau giữa vợ và chồng, cả hai cần có trách nhiệm như nhau trong việc chăm sóc cuộc sống gia đình, con cái, bố mẹ...
. Theo TTXVN |