Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trường đại học Salzburg (Áo) cho biết, các bài tập chậm (chứ không phải nhanh) sẽ tốt hơn cho phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
Kết luận trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học tiến hành kiểm chứng tính hiệu quả của các chế độ tập luyện khác nhau đối với phụ nữ thời kỳ mãn kinh. Mục đích của nghiên cứu là phát triển các phương pháp tập luyện mới nhằm trì hoãn và làm giảm nguy cơ bị thoái hóa cơ xương ngay từ giai đoạn đầu của thời kỳ mãn kinh.
Qua nghiên cứu hai phương pháp tập luyện thể chất có chung tác dụng giúp kích thích sự phát triển cơ, một là phương pháp truyền thống có tốc độ vận động nhanh và một phương pháp mới, với các bước chuyển chậm hơn và các bài tập ít liên tục hơn thường áp dụng cho những người bắt đầu tập hay trong thời gian phục hồi.
Các nhà khoa học nhận thấy cả hai phương pháp đều giúp tăng cơ, nhưng ngược với mong đợi, phương pháp mới chậm hơn lại đem lại hiệu quả tốt hơn.
Nghiên cứu tập trung vào một nhóm các phụ nữ thời kỳ mãn kinh, từ 44-55 tuổi, bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu thoái hóa cơ. Họ được chia thành các nhóm và thực hiện các bài luyện tập trong vòng 12 tuần.
Theo ông Sanger thuộc nhóm nghiên cứu, phát hiện mới này sẽ được áp dụng để thiết kế các chương trình tập luyện chi tiết mỗi ngày nhằm làm giảm nguy cơ tổn thương cho những người lớn tuổi.
|