Đã xây dựng thành công mô hình giúp phát hiện vùng có nguy cơ cao nhiễm thạch tín ở Đông Nam Á
11:28', 15/7/ 2008 (GMT+7)

Một người dân Campuchia bị đột biến tăng sắc tố da do uống phải nước nhiễm thạch tín.

Các nhà khoa học thuộc Viện Thủy Khoa học và Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ Eawag đã phát triển được một mô hình cho phép nhận diện ra những khu vực bị nhiễm độc thạch tín dựa vào việc phân tích dữ liệu địa chất và đặc tính của đất tại khu vực đó.

Nước ngầm nhiễm thạch tín (arsen) đe dọa đến sức khỏe của hàng triệu người, đặc biệt là tại các vùng đồng bằng châu thổ chằng chịt sông suối của Đông Nam Á. Thế nhưng, từ trước đến nay, chưa có một phương pháp nào nhận diện vùng đất có nguy cơ cao nhiễm chất độc thạch tín mà không cần phải tiến hành những đợt lấy mẫu tiêu tốn nhiều tiền của.

Mô hình mới cũng giúp các nhà nghiên cứu phát hiện ra những khu vực có nguy cơ nhiễm độc cao tại Đông Nam Á, những nơi chưa từng có một nghiên cứu về chất lượng nước ngầm nào được tiến hành trước đây, chẳng hạn như  ở Myanmar và đảo Sumantra của Indonesia.

Các nhà nghiên cứu của Eawag mô tả phương pháp của họ cho phép nhận diện khu vực nhiễm thạch tín một cách khá dễ dàng mà không cần phải tiến hành phân tích mẫu nước ngầm mất nhiều thời gian và đắt tiền. Nhóm nghiên cứu do nhà địa chất học Lenny Winkel và nhà hóa môi trường Michael Berg đứng đầu đã tổng hợp dữ liệu địa chất có sẵn về các vùng đất trải dài từ Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam cho tới đảo Sumantra. Sau đó, họ vẽ ra một bản đồ phân loại đồng dạng.

Từ dữ liệu chỉ dựa trên tính chất đất đá và trầm tích ở bề mặt một khu vực, họ đã thu được những kết quả chính xác một cách kinh ngạc về tình chất vật lý và hóa học của nước ngầm của khu vực đó.

Các nhà khoa học sau đó tiếp tục nghiên cứu về mối quan hệ mang tính thống kê giữa 30 thông số bề mặt (các dữ liệu khí hậu, thủy học, địa chất) với mức độ tập trung của thạch tín. Cuối cùng, họ kết hợp 8 biến số có liên quan nhiều nhất thành một hàm hồi quy logic.

Qua phân tích, nhóm nghiên cứu đặc biệt nhận thấy dòng sông “trẻ” giàu phù sa hữu cơ có nhiều chỉ số chứng tỏ nguồn nước ngầm bị nhiễm thạch tín. 

Thử nghiệm mô hình mới với hơn 1.750 dữ liệu về nguồn nước ngầm thu thập tại khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Mê Kông, đồng bằng sông Bengal đều cho ra kết quả dự đoán chính xác với thực tế.

Trên thế giới hiện có khoảng hơn 100 triệu người đang phải dùng nước uống có hàm lượng thạch tín vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Thạch tín là một chất gây ô nhiễm có nguồn gốc tự nhiên và tan trong nước ngầm. Nó không màu, không mùi và rất độc đối với con người. Nếu uống phải nước nhiễm thạch tín lâu ngày, người ta sẽ bị đột biến tăng sắc tố da, bị rối loạn chức năng thận và gan, bị nhiều chứng bệnh ung thư.

Các kết quả nghiên cứu mới nhất tại Đông Nam Á nói trên là một phần trong dự án nghiên cứu Chất lượng nguồn nước (WRQ) trên toàn thế giới. Ngoài việc phát hiện vùng nước nhiễm thạch tín, nhóm còn theo đuổi mục tiêu nhận diện vùng đất, vùng nước nhiễm fluore, selenium (một nguyên tố phi kim cùng nhóm với lưu huỳnh) và uranium.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO), nồng độ thạch tín trong nước uống dưới 10 µg/l là an toàn. Tuy nhiên, 1/5 mẫu nước thử lấy tại đồng bằng sông Hồng và sông Mê Kông có nồng độ thạch tín vượt quá 100 µg/l, thậm chí đạt đến mức tối đa là 3.000 µg/l.

Mặc dù nghiên cứu qui mô toàn cầu đang được tiến hành ở giai đoạn thô nhưng nó hiện đã chứng tỏ thành công tại một khu vực tập trung 10x10km ở Đông Nam Á. Mô hình mới đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của những vùng, khu vực chưa có sẵn cơ sở dữ liệu về nước ngầm.

  • Tố Uyên (theo Science Daily)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đã có mô hình chạy thận nhân tạo tự động mang theo bên mình  (14/07/2008)
Ấn Độ chế tạo thuốc thảo dược giúp cai thuốc  (14/07/2008)
Trẻ phát bệnh vì... áp lực từ bố mẹ  (14/07/2008)
Sự trở lại của năng lượng nguyên tử   (13/07/2008)
Cha đẻ của kỹ thuật mổ tim hiện đại đã qua đời ở tuổi 99   (13/07/2008)
Kính sát tròng tự làm ẩm tự nhiên  (11/07/2008)
Dịch bệnh sốt xuất huyết ở ĐBSCL bùng phát dữ dội  (11/07/2008)
Chiều cao thanh niên Việt Nam tăng hơn 4 cm  (11/07/2008)
Những "con mối" kinh hoàng của biển  (11/07/2008)
Những lời khuyên hữu ích mỗi ngày  (10/07/2008)
Bệnh nhân tự thôi miên, không cần thuốc mê trong khi mổ  (10/07/2008)
Tìm thấy nước trong mẫu đá lấy từ Mặt trăng  (10/07/2008)
Những bước đi đầu  (10/07/2008)
Đồ trang sức có thể là “tác giả” của bệnh đau lưng  (10/07/2008)
Đàn ông có vòng bụng càng to thì tinh trùng càng yếu  (10/07/2008)