Các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu sự phát triển của trẻ em cho biết cảm giác vui vẻ, hạnh phúc không phải là thứ mà bạn có thể tạo ra cho một đứa trẻ theo kiểu cho chúng một món quà gói đẹp. Có khi bạn ngỡ rằng cho trẻ một món đồ chơi hay bảo vệ chúng khỏi những cảm xúc khó chịu sẽ làm cho trẻ thích thú, vui sướng nhưng ngược lại điều đó càng làm cho trẻ trở nên buồn chán, yếm thế.
Điều quan trọng là làm sao giúp trẻ phát triển những kỹ năng để trở nên vui vẻ tự bên trong vì hạnh phúc xuất phát từ bên trong mỗi con người chứ không phải từ ngoại cảnh tác động. Bạn không cần phải là chuyên gia về tâm lý trẻ em mới làm được chuyện đó. Chỉ cần có lòng kiên nhẫn và khả năng ứng biến linh hoạt, bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng có thể tạo dựng nền tảng cho con hạnh phúc suốt đời.
Sau đây là một số lời khuyên của các chuyên gia tâm lý trẻ em dành cho các vị phụ huynh có con từ 0-12 tháng tuổi.
1. Học cách đọc các dấu hiệu cử chỉ của bé
Từ khi sinh ra cho đến lúc được 6 tháng tuổi, bé sẽ dần làm chủ được các cử chỉ cho bạn thấy điều gì làm bé hài lòng hay buồn bã. Có vẻ như thời gian bé khóc nhiều hơn thời gian bé cười vì thực chất các bé trải nghiệm căng thẳng sớm hơn trải nghiệm hạnh phúc. Các biểu hiện căng thẳng trên khuôn mặt của bé là tín hiệu SOS thúc đẩy người chăm sóc bé phải nhanh chóng khắc phục những điều làm bé khó chịu.
Hãy chịu khó quan sát và tìm hiểu tính khí của con bạn. Theo thời gian, nhất là khi bé được ít nhất 6 tháng tuổi, bạn sẽ hiểu tốt hơn những dấu hiệu cử chỉ của bé cho thấy điều gì làm cho bé không thoải mái trong thế giới của bé.
2. Cho bé cơ hội trải nghiệm niềm vui
Có thể một món đồ chơi đầy màu sắc sẽ làm cho khuôn mặt bé nở một nụ cười rạng rỡ nhưng có một thứ đem lại cảm giác hạnh phúc nhất cho bé mà lại rất đơn giản. Đó chính là bạn. Chơi với trẻ, tạo mối liên kết gần gũi với trẻ. Đó là cách tốt nhất để đảm bảo rằng con bạn sẽ thấy vui.
Chơi đùa giúp trẻ vui vẻ và phát triển các kỹ năng cần thiết khác cho thái độ sống lạc quan về sau của trẻ. Chơi không có nghĩa là một lớp học nhạc hay một trò thể thao có tổ chức. Chơi là khi trẻ sáng tạo, hư cấu và mơ mộng. Trẻ có thể thất bại trong một trò chơi nhưng qua đó, nó học được tính kiên trì, tính kỉ luật và trải nghiệm cảm giác vui sướng sau khi đạt được thành công bằng nỗ lực tự thân.
3. Một em bé vui vẻ với một cơ thể khỏe mạnh
Trẻ ngủ nhiều, chạy nhảy nhiều và ăn uống theo một chế độ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe đặc biệt quan trọng đối với trẻ em. Hãy dành không gian cho bé hoạt động thể chất, giải phóng năng lượng của mình. Để tâm đến món ăn nào gây dị ứng cho trẻ, làm ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi của trẻ.
4. Để trẻ tự phấn đấu giải quyết vấn đề khó khăn của mình
Trong 6 tháng đầu, điều quan trọng là cha mẹ phải đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ nhưng qua 6 tháng, bạn nên để trẻ khó một chút trước khi bạn đáp ứng đòi hỏi của bé bằng cử chỉ âu yếm yêu thương tích cực cùng với sự chú ý đến trẻ trong suốt thời gian còn lại bạn ở bên cạnh trẻ.
Trẻ cần phải học cách chịu đựng một số điều trái ý, không vui. Hãy để cho trẻ tự phấn đấu, tự nghĩ cách giải quyết vấn đề khó khăn của riêng mình vì điều đó giúp trẻ củng cố kỹ năng đối đầu với những thách thức trong cuộc sống sau này.
Mỗi khi trẻ đạt được thành công, trẻ sẽ thấy tự tin và hài lòng với thành công của mình. Cho trẻ thời gian và khuyến khích trẻ tự phấn đấu.
5. Để trẻ buồn hay tức giận
Hãy để cho trẻ trải nghiệm nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, thậm chí là những tình cảm khó chịu, vì điều đó giúp xây dựng sức mạnh bên trong-chìa khóa dẫn đến cảm giác hạnh phúc.
6. Dạy trẻ làm những điều có ý nghĩa
Khi trẻ khôn lớn, bạn hãy dạy trẻ về lòng nhân ái và biết chia sẻ với người khác thông qua những việc làm dù nhỏ nhặt nhất hàng ngày. Nghiên cứu cho thấy người nào sống có mục đích ý nghĩa trong cuộc đời thì người đó sẽ ít cảm thấy buồn bực, chán nản.
Ngay khi trẻ chỉ mới được 10 tháng, bạn cũng có thể dạy trẻ cảm nhận được sự thỏa mãn khi cho và nhận. Bạn đút cho trẻ ăn rồi để trẻ đút lại cho bạn. Bạn chải đầu cho trẻ rồi để trẻ chải đầu lại cho bạn. Hãy dùng những cử chỉ cho trẻ thấy bạn rất vui sướng khi được bé đáp lại. Những giây phút nho nhỏ này sẽ nuôi dưỡng tinh thần nhân ái của bé đối với mọi người xung quanh. Khi trẻ lớn hơn một chút, hãy cho trẻ tham gia giúp bạn làm việc vặt vừa sức để trẻ thấy mình có ích vì đóng góp sức mình vào một việc chung.
|