Đừng sợ bệnh tim
11:2', 23/7/ 2008 (GMT+7)

Bác sĩ tim mạch Việt Nam ngày càng tiếp cận được nhiều phương pháp mới và hiệu quả, từ việc áp dụng phương pháp nội soi cho đến dùng thuốc để điều trị bệnh tim.

Bé Nguyễn T.T. (11 tuổi) vốn mắc bệnh tim bẩm sinh, còn ống động mạch. Khi còn trong bào thai, ống động mạch này nối giữa tim và phổi, giúp bé T. thở được. Theo quy luật tự nhiên, ống động mạch sẽ bị bít lại sau khi trẻ được sinh ra 24 – 48giờ. Nhưng oái ăm thay, ống động mạch của bé T. vẫn còn tồn tại. Bé thường thở nhanh, hổn hển, ăn uống kém, nhẹ cân.

Còn ống động mạch đứng hàng thứ ba trong các bệnh tim bẩm sinh. Tỷ lệ mắc trong cộng đồng là 0,7%. Trong khi đó, 50% trẻ sơ sinh nhỏ ký (< 1500g) đều mắc bệnh này. Hầu như, bệnh này được điều trị bằng phẫu thuật. 

 

Chỉ với 4 lỗ nhỏ sau lưng và một ngày, bệnh nhân mắc bệnh còn ống động mạch có thể hồi phục nhờ phẫu thuật nội soi.
 

Chỉ cần nằm viện một ngày sau mổ

Phẫu thuật cắt ống động mạch là phẫu thuật tim kín (mở lồng ngực, nhưng không mở quả tim ra) được thực hiện nhiều nhất tại các trung tâm phẫu thuật tim mạch ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Người ta phải mở lồng ngực, cắt hoặc thắt ống động mạch. Phẫu thuật này cần phải thực hiện sớm trước 5-7 tuổi.

Trước đây, các phẫu thuật viên tim mạch phải tiến hành rạch một đường lớn, từ lồng ngực trái ra tận sau lưng, đến gần tủy sống. Bệnh nhân sau mổ thường vô cùng đau đớn, do đó không dám thở, dẫn đến ứ đọng và nhiễm trùng. Điều đáng nói hơn, tỷ lệ vẹo cột sống, gù hoặc biến dạng (lồng ngực, cột sống) vẫn có thể xảy ra, chiếm từ 3 – 5%. 

Còn bé T. may mắn là một trong những ca còn ống động mạch đầu tiên được nhóm phẫu thuật tim ở BV ĐH Y Dược TP.HCM mổ bằng phương pháp nội soi. 

BS. Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim, cho biết, với phương pháp này, các bác sĩ chỉ cần 4 lỗ nhỏ sau lưng (2 lỗ 10 mm và 2 lỗ 3mm) để đưa máy camera, dụng cụ, clip kẹp bằng titan vào và kẹp chặt ống động mạch lại. 

Ca mổ kéo dài khoảng 30phút. Bệnh nhân ít chảy máu, ít đau, và có thể xuất viện ngay ngày hôm sau. Chi phí cho mỗi ca mổ nội soi này là 15 triệu đồng. 

 

Đừng sợ bệnh tim. Các bác sĩ Việt Nam ngày càng tiếp cận được với nhiều phương pháp điều trị mới và hiệu quả. Ảnh: Bệnh nhân ở khoa Hồi sức - Phẫu thuật Tim, BV Chợ Rẫy.

 

Những tiến bộ của thuốc

Trong khi đó vào ngày 22.7, khoảng 200 bác sĩ tim mạch, hồi sức cấp cứu và nội tổng quát của TP. HCM và các tỉnh lân cận đã tham gia một hội thảo để cập nhật các tiến bộ về thuốc trong điều trị cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim. 

Theo PGS – BS Võ Thành Nhân, Chủ tịch Phân hội Tim mạch học Can thiệp TP. Hồ Chí Minh, Trưởng khoa Tim mạch học Can thiệp BV Chợ Rẫy, bệnh nhân nhồi máu cơ tim dù cho điều trị nội khoa hay can thiệp thì việc “điều trị chống huyết khối” cho bệnh nhân là vô cùng quan trọng. 

Hội chứng mạch vành cấp (đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim) là hậu quả của sự thành lập cục huyết khối gây tắt lòng động mạch. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới hiện nay.

Hiện nay phương pháp can thiệp động mạch tổn thương bằng nong hoặc đặt giá đỡ trở nên rất phổ biến trên thế giới và cả ở Việt Nam. Tuy nhiên không phải tất cả các bệnh viện tỉnh và thành phố đều có trung tâm tim mạch can thiệp nên số lượng bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này còn khá hạn chế. Chính vì vậy các biện pháp điều trị nội khoa đơn độc hoặc có kết hợp với điều trị can thiệp trở nên vô cùng cần thiết trong thực tế. 

Hàng trăm năm nay với hàng tỷ bệnh nhân, Aspirin đã trở thành loại thuốc quan trọng trong điều trị nhiều bệnh lý tim mạch. Nhưng trong hội thảo này, các chuyên gia tim mạch cho biết nếu kết hợp Aspirin với các loại thuốc kháng kết tập tiểu cầu hoặc thuốc tiêu sợi huyết thế hệ mới sẽ hiệu quả hơn cho bệnh nhân đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quị… 

Bên cạnh việc xử trí cấp thời cho bệnh nhân, việc phối hợp thuốc còn được áp dụng trong việc chăm sóc lâu dài cho bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp (có can thiệp mạch vành bằng stent tẩm thuốc) để giảm thiểu tối đa tử vong và thương tật cho bệnh nhân. Thuốc giúp ngăn ngừa việc kết tụ các khối huyết muộn trong lòng động mạch.

. Theo VNN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làm cách nào nuôi dưỡng một em bé vui vẻ?   (23/07/2008)
70 tỷ đồng xây dựng hệ thống báo tin động đất  (22/07/2008)
Làm thế nào giúp trẻ làm quen với việc đeo kính  (22/07/2008)
Lấy lại ham muốn với "chuyện yêu"  (21/07/2008)
Sao Hỏa - một hành tinh ẩm ướt  (21/07/2008)
Ăn gì vào lúc nào?  (21/07/2008)
Ghi được cảnh tượng mặt trăng đi qua trái đất  (20/07/2008)
Kim tiêm không đau mô phỏng cách muỗi đốt hút máu  (20/07/2008)
8 sự thật về khả năng sinh con  (20/07/2008)
Thay vì la mắng, hãy hiểu con hơn  (18/07/2008)
Mất răng - Thủ phạm của sự buồn phiền, chán nản  (18/07/2008)
Mổ lấy thận qua rốn-kỹ thuật phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, giấu được sẹo và giúp hồi phục nhanh  (18/07/2008)
Tự chế tạo tàu ngầm dù trình độ học vấn chỉ ở mức tiểu học  (17/07/2008)
Bạn già đi từ lâu trước khi có nếp nhăn  (17/07/2008)
Hi vọng chấm dứt việc đoạn chi ở bệnh nhân bị tiểu đường  (17/07/2008)