|
Vitamin B12 hiện nay có giá rất rẻ. Ảnh: Lakewoodconferences. |
Rất nhiều người châu Âu đã bỏ mạng trong nửa đầu thế kỷ 20 vì không đủ tiền mua thuốc chữa bệnh thiếu máu ác tính. Họ không ngờ rằng lẽ ra mình có thể sống nhờ nguồn thuốc lấy từ chất bùn trong các cống rãnh ở thành phố.
Những năm trong và sau chiến tranh thế giới thứ 2, số người bị thiếu máu ác tính tăng mạnh. Bệnh nhân thường bị rối loạn chức năng tuần hoàn, hồng cầu giảm từ 4 triệu xuống còn 3 triệu, thậm chí nhiều người chỉ còn trên 1 triệu. Kèm theo là sự rối loạn hệ thống thần kinh, tiêu hóa. Độ axit của dạ dày giảm rất nhanh, màng dạ dày bị teo. Các bác sĩ tài giỏi nhất thời bấy giờ cũng phải bó tay, rất nhiều người tử vong.
Đến năm 1929, các nhà khoa học mới phát hiện vitamin B12 có thể đẩy lùi được căn bệnh thiếu máu ác tính. Nhưng phải chờ tới 20 năm sau, những giọt vitamin B12 tinh khiết đầu tiên mới được tách chiết. Những ống thuốc màu hồng tươi đã xuất hiện trên các quầy dược phẩm, đem lại nguồn hy vọng tràn trề cho nhiều người. Nhưng niềm vui đã sớm trở thành nỗi thất vọng vì giá thuốc thời bấy giờ vượt xa túi tiền của đại đa số bệnh nhân. Vitamin B12 đắt vì nguồn nguyên liệu hoàn toàn trông mong vào động vật, chủ yếu là gan bò.
Để có thể tách chiết được 10 mg vitamin B12, phải dùng đến những 1 tấn gan bò. Như vậy, một xí nghiệp dược muốn sản xuất 1 kg vitamin B12 sẽ cần đến số bò khổng lồ, lên tới... 10 triệu con! Bởi vậy, chỉ có người rất giàu mới có tiền để dùng. Việc tìm ra nguồn nguyên liệu sản xuất vitamin B12 giá rẻ trở thành cấp thiết.
Và sự kỳ diệu đã đến từ thế giới vi sinh vật. Đó là vào năm 1951, hai nhà khoa học Frieric và Berna đã phát hiện ra một kho vitamin B12 khổng lồ giấu ở nơi bất ngờ nhất: bùn cống. Trong bùn cống có rất nhiều vi khuẩn mà chủ yếu là nhóm me-tan. Chúng dùng hệ thống enzym đặc biệt của mình để phân hủy các nguyên liệu hữu cơ như protein, cellulo, đường, bột... có trong bùn để tổng hợp B12 và một số vi chất khác.
Từ phát hiện trên, các nhà khoa học nảy ra ý định sản xuất thuốc bổ máu từ bùn cống. Nhưng việc loại bỏ các tạp chất lại vô cùng khó khăn và tốn kém. Qua nhiều lần thí nghiệm, họ cũng tìm ra cách tổng hợp vitamin B12 mà không hề tốn tiền: Mang vi khuẩn họ me-tan từ bùn đến phòng thí nghiệm, loại bỏ các tạp chất và tìm xem loại vi khuẩn nào tổng hợp được nhiều vitamin B12 trong thời gian ngắn nhất. Vị "quán quân" đó chính là vi khuẩn Propionnibacterium shermani.
Tại các nhà máy dược phẩm, những con vi khuẩn trên được nuôi trong thùng lên men khổng lồ, nhiệt độ luôn đảm bảo 30 độ C. "Thức ăn" cho chúng không phải là bùn thối từ cống rãnh nữa mà là những chế phẩm từ đường glucoza, muối đạm, muối cô-ban... Sau 5-7 ngày, số vi khuẩn trên sinh sôi nảy nở rất nhanh. Lúc này chỉ việc cho dịch lên men qua máy ly tâm siêu tốc để tách riêng nước và xác vi khuẩn, sau đó chiết rút sẽ thu thứ dịch màu hồng tươi, đem đóng trong các ống tiêm. Đó là vitamin B12 có giá thành rất rẻ, thỏa mãn được nhu cầu của đại đa số dân nghèo.
Sau này, các nhà khoa học Nga còn tìm ra cách hạ giá thành vitamin B12 xuống mức thấp hơn nữa nhờ sử dụng loại nguyên liệu phế thải của công nghiệp sản xuất axeton và rượu etylic.
Ngày nay, vitamin B12 không chỉ là thuốc chữa thiếu máu, rối loạn tuần hoàn và chức năng gan, bệnh thần kinh... mà nó còn được dùng để tăng hiệu quả trong chăn nuôi gia súc. Theo các nhà khoa học, chỉ cần một lượng nhỏ vitamin B12 (khoảng 50 mg/tấn thức ăn) là đủ giúp đàn gia súc tăng trưởng nhanh hơn, gia cầm đẻ nhiều trứng hơn...
. Theo Sức Khỏe & Đời Sống |