Quy Nhơn là thành phố chịu nhiều tác động của vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu
6:59', 30/7/ 2008 (GMT+7)

Vừa qua, nhóm nghiên cứu (NNC) thuộc Viện Chiến lược và Chính sách khoa học-công nghệ (Bộ KH-CN) phối hợp với các chuyên gia của Mạng lưới nghiên cứu về quản lý tài nguyên nước, môi trường và năng lực ứng phó (QLTNN-MT-NLƯP) tại vùng Mê Kông đã đến khảo sát, nghiên cứu về khả năng thích nghi với thay đổi khí hậu toàn cầu của TP. Quy Nhơn. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Paul Kent, chuyên gia người Úc của tổ chức nói trên, xung quanh vấn đề này.

 

Thành viên của NNC và chuyên viên của Sở TN-MT đang trao đổi về điều kiện tự nhiên, đặc điểm khí hậu... của TP Quy Nhơn. Ảnh: V.H

 

* Xin ông cho biết đôi nét về chuyến khảo sát, nghiên cứu tại Bình Định?

- Chúng tôi là thành viên thuộc Mạng lưới nghiên cứu về QLTNN-MT-NLƯP tại vùng Mê Kông. Mục đích của NNC là làm việc với lãnh đạo Sở TN-MT và một số sở, ngành, cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định nhằm tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về việc thích nghi với những thay đổi khí hậu toàn cầu của TP. Quy Nhơn. Những vấn đề mà chúng tôi cần tìm hiểu bao gồm các hoạt động và những biện pháp thực hiện nhằm phòng ngừa, giảm nhẹ, khắc phục và hồi phục với thay đổi khí hậu toàn cầu… của một số thành phố Việt Nam, trong đó có TP. Quy Nhơn. Đây cũng là những hoạt động nhằm phục vụ Chương trình dự án “Tăng cường khả năng thích nghi với thay đổi khí hậu toàn cầu” - một chương trình có nguồn kinh phí từ Quỹ Rockefeller…

* Ông có thể cho biết tiêu chí để chọn các thành phố tham gia chương trình?

- Trong số những tiêu chí để chọn có một số tiêu chí cơ bản như: Mức độ dễ tổn thương; khả năng nhạy cảm đối với những tác động của biến đổi khí hậu; môi trường thực hiện chính xác; khả năng thích ứng của người dân địa phương; khả năng quản lý của chính quyền địa phương và lãnh đạo các ban ngành...

Theo kế hoạch, chương trình sẽ được triển khai thực hiện thông qua 3 giai đoạn, gồm: lựa chọn, thu thập các thông tin liên quan từ các thành phố được chọn. Các quốc gia được chọn tham gia chương trình là: Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Mỗi nước được chọn khoảng 4-5 thành phố để tham gia chương trình. Riêng đối với Việt Nam, có 3 thành phố được chọn khảo sát là Huế, Quy Nhơn và Cần Thơ.

* Vì sao NNC lại chọn TP. Quy Nhơn để khảo sát, nghiên cứu?

- Chúng tôi chọn TP Quy Nhơn để khảo sát, nghiên cứu vì đây là thành phố ven biển có sự phát triển khá tốt; đồng thời là thành phố phải chịu khá nhiều tác động của những biến đổi khí hậu; nhất là những tác động của mưa gió, bão lũ, triều cường… Đáng lưu ý, cả 3 thành phố của Việt Nam được chọn để khảo sát, nghiên cứu đều có trường đại học. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, vì thành phố nào có trường đại học thì nơi đó dễ có điều kiện, năng lực để có thể tham gia chương trình.

* Vậy, chương trình hoạt động của NNC đã tiến triển ra sao, thưa ông?

- Theo kế hoạch, chúng tôi trực tiếp đến làm việc với đại diện các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố nói trên nhằm tìm hiểu, nắm bắt thông tin liên quan, xem những địa phương này có đủ điều kiện để có thể tham gia chương trình hay không? Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm hiểu khả năng thích ứng của người dân địa phương (nhất là tầng lớp nghèo) ra sao; chính quyền và cơ quan chức năng ở địa phương đã có những hoạt động gì, hay chương trình lồng ghép vào chiến lược phát triển của các ngành.

Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tổng hợp, xây dựng báo cáo, trình lên lãnh đạo Mạng lưới nghiên cứu về QLTNN-MT-NLƯP tại vùng Mê Kông. Dự kiến, khoảng cuối tháng 8.2008 chúng tôi sẽ phải hoàn thành báo cáo về 3 thành phố Huế, Quy Nhơn và Cần Thơ.

* Ông có thể cho biết một số kết quả của chuyến khảo sát, nghiên cứu ở TP Quy Nhơn?

- Trong thời gian ở Bình Định, chúng tôi đã được lãnh đạo Sở TN-MT, đại diện một số sở, ngành của tỉnh giới thiệu những nét cơ bản về tình hình, đặc điểm điều kiện tự nhiên, địa lý, địa chất, sông, biển, đầm, khí hậu, thời tiết; điều kiện môi trường, sinh thái; tình hình mưa, bão, lũ lụt… của TP. Quy Nhơn và vùng ngoại thành.

Trên cơ sở những thông tin, tài liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu sẽ tổng hợp, báo cáo lên Hội đồng của Mạng lưới nghiên cứu về QLTNN-MT-NLƯP tại vùng Mê Kông để xem xét, quyết định đưa vào Chương trình dự án “Tăng cường khả năng thích nghi với thay đổi khí hậu toàn cầu”. Riêng theo tôi, cả 3 thành phố Huế, Quy Nhơn, Cần Thơ đều xứng đáng với những tiêu chí đề ra để có thể tham gia chương trình…

* Xin cảm ơn ông!

  • Viết Hiền (Thực hiện)

Quỹ Rockefeller là quỹ hỗ trợ cho người nghèo ở các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với những nước nghèo, những nước đang phát triển… Quỹ này đã từng triển khai giúp đỡ người nghèo tại các quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ; trong đó có cuộc “cách mạng xanh” ở châu Phi. Ngay từ những năm 1940-1960, cùng với Quỹ Ford, Quỹ Rockefeller đã tài trợ khoảng 600 triệu USD để thực hiện “Cuộc cách mạng xanh” nổi tiếng ở châu Á và Mỹ La tinh. Vừa qua, cùng với Quỹ Bill & Melinda Gates, Quỹ Rockefeller đã tiếp tục phát động một cuộc “cách mạng xanh” mới tại châu Phi với chi phí hỗ trợ lên đến 150 triệu USD. Riêng đối với khu vực châu Á, lần này Quỹ Rockefeller sẽ hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng thích ứng với những biến đổi khí hậu của cư dân ở những khu đô thị…

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
P.A Vietnam trả lời về vụ hack tên miền nghiêm trọng  (29/07/2008)
Chiều 1.8: Nhật thực toàn phần có thể diễn ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam  (29/07/2008)
Phát triển giống cây thuốc lá biết chuyển màu đỏ khi phát hiện ra bom mìn  (29/07/2008)
Nước ép trái cây ngọt dễ dẫn đến bệnh đái đường  (29/07/2008)
Rạng sáng 29.7, tại Việt Nam có mưa sao băng  (28/07/2008)
Bí mật của kim cương  (28/07/2008)
Biến khói xe thành điện  (27/07/2008)
Dùng bùn cống làm... thuốc bổ  (27/07/2008)
Những thói quen nguy hiểm khi sử dụng ĐTDĐ  (27/07/2008)
Tìm thấy nước sôi ở giữa Bắc cực lạnh  (27/07/2008)
Phát hiện một hợp chất trong nước bọt làm vết thương mau lành  (25/07/2008)
"Khắc phục lỗi DNS cần khẩn trương như chống lụt bão!"  (25/07/2008)
Trà ướp lạnh làm tăng nguy cơ sỏi thận  (24/07/2008)
Bão sẽ đổ bộ vào đất liền nhiều hơn  (24/07/2008)
Hiệu ứng ngược của thuốc tăng "khả năng đàn ông"  (24/07/2008)