Người bị địch cưa chân 3 lần
10:19', 2/8/ 2008 (GMT+7)

Hẳn những ai đã từng xúc động khi nghe chuyện về Anh hùng LLVTND, thiếu tá Nguyễn Văn Thương ở Tây Ninh, người bị giặc Mỹ cưa chân 6 lần cũng sẽ tò mò khi biết rằng ở Bình Định cũng có một người bị địch cưa chân 3 lần. Nhưng đó lại là một người phụ nữ. Năm ấy, cô mới 19 tuổi.

 

      Vợ chồng chị Trần Thị Thanh Lịch. (Ảnh do gia đình chị Lịch cung cấp)

 

*  Quá khứ hào hùng

Những ngày cuối tháng bảy, tôi tìm đến nhà chị Trần Thị Thanh Lịch trên đường Tăng Bạt Hổ (TP Quy Nhơn). Chồng chị cho biết chị đang nằm bệnh viện, vì bệnh cao huyết áp và tim - di chứng từ những trận đòn tra tấn ngày xưa của địch. Tôi vào viện thăm chị. Câu chuyện đang dở chừng thì chị lên cơn động kinh, lại cũng là một di chứng của chiến tranh, bắt nguồn từ những cơn ác mộng bị tù đày, tra tấn. Chừng 10 phút sau, dứt cơn, chị tỉnh táo như vừa qua một giấc ngủ đầy, không còn nhớ chuyện gì đã qua, kể cả người đang nói chuyện - là tôi - và câu chuyện dang dở trước đó.

Năm 1968, cô gái 19 tuổi Trần Thị Thanh Lịch ở xã Hoài Châu (Hoài Nhơn) được cử làm đội trưởng đội nữ quyết tử xã. Cô cùng đồng đội quyết tiêu diệt tên ác ôn Võ Thân - xã phó an ninh Hoài Châu nổi tiếng hống hách và tàn ác. Kế hoạch bất thành, để giải cứu cho đồng đội, Lịch rút súng bắn bị thương tên ác ôn, rồi bị bắt. Khi biết không thể moi được thông tin gì từ cô gái kiên trung, bọn địch quyết định cưa chân cô - “để nó khỏi đi làm cộng sản” - chúng nói vậy.

Lần thứ nhất, chúng cắt ngang ống chân trái. Lần thứ hai, chúng tháo khớp gối. Lần thứ ba, chúng cưa trên gối. 3 lần cưa chân, 3 lần Lịch chết đi sống lại trên bàn mổ vì không có thuốc mê, thuốc tê. “Lúc ấy chị có khóc không?” “Không, trước kẻ thù mà khóc sao được, nó khinh mình sao!” - chị đáp tức thì.

Sau đó, chị được đồng đội giải cứu khỏi trại tù. Trở về nhà, Lịch lại càng hăng hái tham gia công tác cách mạng. Chị chăm sóc thương binh, hướng dẫn lớp cứu thương, dạy chữ cho các em nhỏ, cứ như rằng việc mất một chân chỉ làm Lịch thêm sức mạnh chứ chẳng thể ngược lại. Nhiều năm liền chị được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Tháng 4.1974, chị được đưa ra Bắc điều dưỡng trước khi ra nước ngoài chữa trị. 

*  Chồng

Anh tên Trần Việt Cường, hiện là bí thư chi bộ 7, phường Trần Phú (TP Quy Nhơn). Anh là con cả trong một gia đình có 8 anh chị em ở Hương Trà, Thừa Thiên - Huế. Gia đình là cơ sở cách mạng từ kháng chiến chống Pháp nên từ tuổi thiếu niên anh cũng tham gia cách mạng, làm đến đội trưởng đội trinh sát an ninh vũ trang huyện Hương Trà, lập nhiều chiến công, 3 lần được tặng Huân chương Chiến công hạng nhất. Tháng 3.1973, anh được đưa ra Hà Đông điều trị vết thương và chuyển sang điều dưỡng ở trại 65 Sơn Tây. Tại đây, anh Cường gặp chị Lịch.

“Hồi đó ở trại điều dưỡng có nhiều cô người Bình Định xinh lắm, nhưng chỉ có Lịch là bị cụt chân. Tôi thấy người ta vì chiến tranh mà bị cưa chân, vì làm cách mạng mà phải hy sinh một phần thân thể thì thương lắm. Tôi biết lấy Lịch làm vợ thì sẽ khổ nhưng tôi đã xác định rồi, khổ thì chịu. Nhiều người biết chuyện liền bàn ra, nói tôi sẽ thiệt thòi. Cha mẹ tôi ở quê cũng không đồng ý vì sợ tôi khổ. Nhưng tôi nghĩ: nếu là mình mà bị cụt một chân như vậy thì người ta có ưa mình không? Vậy là cưới.

Bây giờ, con cái ở xa, vợ tôi thường hay đau ốm nên tôi đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo là chuyện bình thường. Chợ Sân Bay, chợ Lớn, nhiều bà bán hàng quen mặt luôn. Vợ nằm bệnh viện, bệnh nhẹ thì hàng ngày vào 2 - 3 lần, bệnh nặng thì tối tôi ngủ luôn trong đó. Có hôm sáng ra viện, chiều cô ấy lại nhập viện”.

 
Chị Trần Thị Thanh Lịch đang điều trị tại BVĐK tỉnh. Ảnh: Nguyên Sương
 

*  Vợ

“Nói thật, cả khi anh Cường ngỏ lời với tôi, tôi cũng không dám nghĩ tới chuyện lấy chồng, vì nghĩ mình bệnh tật vầy ai mà ưng. Ưng mình thì người ta khổ. Nhưng ảnh nói dối là ảnh không cha không mẹ, ảnh thương tôi, khổ ảnh chịu được. Bây giờ tôi hay đau ốm bệnh tật, con cái lại ở xa, một mình ảnh lo hết. Phải nói tôi có phúc mới có được một người chồng như vậy” - chị cảm động.

Năm 1976, chị Lịch về công tác ở Ban bảo vệ sức khỏe tỉnh. Chồng ở bộ đội biên phòng, đóng quân ngoài Nhơn Hải, một mình chị ở nhà, vừa đi làm, vừa nuôi con. Con nhỏ 4 tháng, chị ẵm về Hoài Châu gởi bà ngoại vì luôn phải công tác xa nhà.  

Cuộc sống khó khăn, chị nuôi một đàn heo, cả heo thịt lẫn heo nái. Heo nái đẻ, tối chị mắc võng ngay cạnh chuồng heo nằm canh. Nhảy ra nhảy vô lo cho heo mẹ, chăm bầy heo con, một chân giả, một chân thiệt, chẳng sao cả.

Rồi có thời gian, chị cho người ta thuê nhà bán phở. Học lỏm cách nấu phở, chị lại tự mình đứng ra mở quán, khách ăn cũng đông. Vừa bán phở vừa nuôi heo. Hỏi hồi đó có lúc nào khổ quá mà chị chán nản không, chị cười: “Không, mình còn sống là may mắn hơn những người hy sinh rồi. Với lại hồi chiến tranh, chống nạng leo núi, từ gộp đá này băng qua gộp đá kia còn được, giờ có thấm gì so với hồi đó”.

Nghỉ hưu, chị làm chi hội trưởng phụ nữ khu vực 7, phường Trần Phú. Lại chống nạng đi làm công tác phong trào. Gần đây, sức khỏe kém, chị mới xin nghỉ. Anh chị có 2 con, một trai một gái. Con gái theo chồng, còn con trai làm việc tại Quảng Ngãi, có gia đình luôn ngoài đó. 

Lại hỏi chị có hài lòng với cuộc sống hiện tại không, chị bảo cũng bình thường, chỉ trăn trở một nỗi cô con gái đầu học kế toán ra chưa xin được việc làm. Và chạnh lòng mỗi khi ai đó hỏi lại chuyện cũ, rồi vô tình hỏi: “Chị có được phong danh hiệu anh hùng không?”.    

  • Nguyên Sương  

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Băng giá từng thống trị các vùng nhiệt đới   (01/08/2008)
Bước tiến mới trong lĩnh vực nghiên cứu năng lượng mặt trời   (01/08/2008)
Nhiều mỡ quanh tim sẽ làm tăng nguy cơ đau tim  (31/07/2008)
Phát hiện một “siêu máy tính” 2.000 năm tuổi của người Hy Lạp  (31/07/2008)
Độc thân dễ dẫn đến nguy cơ bệnh mất trí nhớ  (31/07/2008)
Trẻ em Việt Nam thấp hơn 5cm so với chuẩn thế giới  (31/07/2008)
Tuổi bắt đầu học chữ  (30/07/2008)
Dùng ong phá án giết người hàng loạt  (30/07/2008)
Những anh hùng vô tri giác của khoa học  (30/07/2008)
Quy Nhơn là thành phố chịu nhiều tác động của vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu  (30/07/2008)
P.A Vietnam trả lời về vụ hack tên miền nghiêm trọng  (29/07/2008)
Chiều 1.8: Nhật thực toàn phần có thể diễn ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam  (29/07/2008)
Phát triển giống cây thuốc lá biết chuyển màu đỏ khi phát hiện ra bom mìn  (29/07/2008)
Nước ép trái cây ngọt dễ dẫn đến bệnh đái đường  (29/07/2008)
Rạng sáng 29.7, tại Việt Nam có mưa sao băng  (28/07/2008)