10 điều thú vị về Olympics cổ đại
18:1', 4/8/ 2008 (GMT+7)

Hầu hết chúng ta ai cũng biết Olympics khởi nguồn tại Hy Lạp cổ nhưng chẳng mấy ai hay các vận động viên điền kinh thời xưa thi đấu với trang phục của Adam (dù về mặt nguyên tắc mà nói, họ có đeo một miếng vải che chỗ kín một cách tượng trưng), rằng một trong những môn thi đấu là một hình thức thi đấu võ thuật tổng hợp cổ, rằng người đã giành huy chương vàng Olympics đầu tiên là một đầu bếp?

Nhân dịp Olympics Bắc Kinh mùa hè 2008 sắp diễn ra vào ngày 8.8, xin giới thiệu 10 điều thú vị về sự kiện thể thao lớn nhất trên toàn thế giới này vào thời cổ đại.

1. Các vận động viên Olympics cổ đại thi đấu trong tình trạng “nuy”

Đúng vậy. Hầu hết nam vận động viên Olympics cổ đại (thời đó, chỉ có toàn vận động viên nam) tham gia thi đấu các môn như chạy, đấu vật…đều ra sân trong tình trạng không mặc quần áo. Người Hy Lạp cổ có truyền thống làm nhiều việc với tấm thân trần tự nhiên;  Chẳng hạn như khi đi lại trong phòng ngủ, khi xuất hiện tại các buổi tiệc được gọi là sympsia (tiệc uống rượu nuy), khi tập thể dục…Thực tế, từ gymnasium trong tiếng Anh (có nghĩa là phòng tập thể dục) bắt nguồn từ từ gốc gymos của tiếng Hy Lạp cổ. Gymos có nghĩa là “trần truồng”.

Vì sao vận động viên thời cổ đại không mặc đồ? Mục đích là để ca tụng vẻ đẹp hình thể của người nam như một cách bày tỏ lòng tôn kính đối với các vị thần. Các vận động viên thường xoa dầu ôliu để làm tăng vẻ đẹp bề ngoài của mình và để giữ cho da mềm mượt!

Vào thế kỷ thứ 6, thực sự đã có một đợt thử nghiệm cho các vận động viên mặc khố nhưng ý tưởng này trở nên kỳ cục, lập dị và ít được hưởng ứng. Không lâu sau đó, “mốt nuy” trong thi đấu thể thao thịnh trở lại.

2. Người cả thẹn đeo dây da che chỗ kín

Một số vận động viên cả thẹn chọn mặc kynodesme, một sợi dây bằng da mỏng để “gò của quí”.

Ban đầu, kynodesme được cột chặt quanh một phần của bao qui đầu. Sau đó, nó được buộc ở 1 trong 2 vị trí: hoặc ở thắt lưng, hoặc ở gốc bộ phận “nhạy cảm” mà những vận động viên cả thẹn muốn che giấu.

3. Tấm huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử Olympics thuộc về một đầu bếp

Tấm huy chương vàng đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Olympics cổ đại là tấm huy chương thuộc về một thợ làm bánh mì  sống ở thành phố Elis thuộc bang Coroebus (Koroibos) của Hy Lạp. Anh này đã tham gia bộ môn chạy chân không cự ly 198m trong kỳ Olympics vào năm 776 trước Công nguyên.

Trong  suốt 13 kỳ Olympics đầu tiên, chạy chân không cự ly 198m là môn thi đấu duy nhất. Bắt đầu kỳ Olympics thứ 14, có thêm môn điền kinh đôi.

4. Người chiến thắng chỉ được trao một cành ôliu

Bởi vì các kỳ Olympics cổ đại không có bất cứ một huy chương hay phần thưởng nào khác. Người chiến thắng được trao một vòng hoa ôliu, cành cây o6liu và dải ruy-băng bằng len. Và, trên tất cả và quan trọng nhất là niềm vinh dự.

Khi trở về nhà, họ được đón tiếp như những anh hùng và đắm mình trong mưa quà tặng.

5. Không chỉ có chạy mà còn có đấu vật và quyền anh

Đến kỳ Olympics lần thứ 18 vào năm 708 trước Công nguyên, người ta đã chán với việc chỉ có một môn thi đấu duy nhất là chạy. Vì vậy, môn đấu vật đã được thêm vào trong danh sách môn thi đấu.

Tuy nhiên, luật thi đấu trong môn đấu vật thời đó chẳng hơn luật chơi của trẻ con thời nay là mấy. Trọng tài có quyền phạt người phạm luật bằng cách dùng roi quất vào người đó cho tới khi anh này ngừng hành vi không đẹp của mình!

Tiếp sau môn đấu vật là môn pygme/pygmachia (môn quyền anh của người Hy Lạp cổ đại). Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng môn quyền anh xuất phát tại Sparta. Người Sparta vốn rất hung bạo. Theo họ, mũ bảo vệ trong thi đấu là không cần thiết và sẵn sàng đấm thẳng vào mặt nhau.

Trong các kỳ Olympics cổ đại, không có khái niệm thi đấu quyền anh theo hiệp. Các võ sĩ đấu với nhau cho đến khi phân thắng bại bằng cú hạ knock-out. Nếu trận đấu kéo dài quá lâu, họ sẽ thay phiên đấm vào đầu đối thủ cho đến khi 1 trong 2 người lăn ra bất tỉnh!

6. Pankration: Môn võ thuật tổng hợp của người Hy Lạp cổ đại

Nếu bạn cho rằng môn quyền anh của người Hy Lạp cổ đại quá bạo lực thì hãy thử so sánh với môn pankration, một hình thức võ thuật tổng hợp cổ.

Chỉ có 2 luật lệ cần phải tuân thủ trong khi thi đấu môn pankration. Đó là không đánh bầm mắt và không cắn nhau. Trọng tài cũng xử bằng roi đối với người phạm luật giống như trong môn quyền anh. Việc xiết cổ dẫn đến ngạt thở, đánh nhau gãy ngón tay, gãy cổ được coi là không phạm luật. Chẳng có phân hạng theo cân nặng cũng chẳng có thời gian giới hạn thi đấu. Các võ sĩ cứ đánh nhau cho đến khi đối thủ đầu hàng, bất tỉnh hay chết.

Năm 564 trước Công nguyên, võ sĩ Arrhachion xứ Philgaleia được tuyên là người thắng cuộc trong một trận đấu pankration dù anh này đã mất mạng dưới tay đối thủ của mình. Người ta đã quàng vòng hoa chiến thắng lên xác của Arrhachion.

7. Olympics không phải là sự kiện thể thao trọng đại duy nhất

Người Hy Lạp cổ quả là rất yêu thể thao. Olympics thời đó chỉ là 1 trong 4 sự kiện thể thao thuộc chương trình thể thao lớn mang tên Panhellenic.

4 sự kiện thể thao lần lượt là:

- Olympics: Đây là sự kiện thể thao quan trọng nhất và danh tiếng nhất trong nhóm 4 sự kiện. Nó được tổ chức định kỳ 4 năm/lần gần Elis để tôn vinh thần Zeus.

- Pythian: Cũng được tổ chức định kỳ 4 năm/lần để tôn vinh thần Apollo (thần Mặt trời)

- Nemean: Được tổ chức định kỳ 2 năm/lần gần Nemea để tôn vinh thần Zeus.

- Isthmian: Được tổ chức định kỳ 2 năm/lần gần Corinth  để tôn vinh thần Poseidon.

4 sự kiện được sắp xếp đan xen nhau sao cho hầu như năm nào cũng có một sự kiện diễn ra.

8. Heraea: Olympic cổ dành cho phụ nữ

Phụ nữ trưởng thành đã lập gia đình bị cấm không được xuất hiện ở các sân thi đấu Olympics cổ đại. Nếu vi phạm, người đó sẽ bị đẩy từ một mỏm đá xuống vực cho chết. Tuy nhiên, trinh nữ thì được phép đến xem thi đấu và thậm chí còn được khuyến khích đi xem như thói quen.

Nếu như Olympics là sân chơi thể thao dành riêng cho phái mạnh thì phụ nữ cũng có sân chơi thể thao của riêng mình. Đó là Heraea, lễ hội tôn vinh nữ thần Hera. Chỉ có một môn thi đấu duy nhất là chạy. Cự ly chạy của nữ tại Heraea ngắn hơn 1/6 lần so với cự ly chạy của nam tại Olympics.

Phần thưởng dành cho nữ vận động viên thắng cuộc khá hơn của nam. Ngoài vòng hoa o6liu, họ còn được thưởng thịt bò xẻ ra từ một con bò được giết để tế thần đỡ đầu cho tất cả các vận động viên tham gia thi đấu.

Nhìn chung, các cô gái trẻ ở Hy Lạp cổ đại, ngoại trừ những cô gái xứ Sparta, không được khuyến khích trở thành vận động viên điền kinh. Người Sparta tin rằng vận động viên nữ sẽ sinh ra những chiến binh khỏe mạnh. Vì vậy, họ huấn luyện cả con gái lẫn con trai tham gia thi đấu thể thao. Ở Sparta, con gái thi đấu cũng không mặc quần áo hoặc mặc đồ ôm sát da. Con trai được phép vào xem các trận đấu của con gái. Các cậu được khuyến khích xem con gái thi đấu ngay cả khi đã lập gia đình và có con rồi.

9. Máy tính cổ dùng để tính lịch thi đấu Olympics

Năm 1901, một nhà lặn biển người Hy Lạp đã phát hiện ra xác một con tàu chở hàng cổ bị đắm ngoài khơi đảo Antikythera của Hy Lạp. Trong số những cổ vật được trục vớt lên từ con tàu bị đắm có một máy tính cơ cổ được gọi là máy tính Antikythera. Các nhà khoa học ước tính nó được tạo ra khoảng năm 150-100 năm trước Công nguyên.

Qua hơn 100 năm, các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi rất nhiều xung quanh mục đích sử dụng thật sự của máy tính Antikythera và vẫn còn không ít kinh ngạc trước sự tinh vi của thiết bị tính toán cổ đại này. (Đồng hồ cơ học đầu tiên xuất hiện ở châu Âu sau cơ chế Antikythera khoảng 1.000 năm).

Có thể người xưa chế tạo ra máy tính Antikythera để tính toán các hiện tượng thiên thực (nhật thực, nguyệt thực) và lên lịch thi đấu cho các kỳ Olympics.

10. Người theo đạo Thiên chúa giáo đã khai tử Olympics cổ

Người La Mã chinh phục Hy Lạp. Họ coi Olympics là một lễ hội ngoại đạo. Vì vậy, vào năm 393 sau Công nguyên, Hoàng đế La Mã Theodosius I cấm không cho cho hoạt động thi đấu thể thao Olympics diễn ra. Mục đích của ông vua này là muốn đưa Thiên chúa giáo thành quốc giáo. Olympics bị cấm mãi cho đến năm 1896 mới được khôi phục lại. Như vậy, Olympics đã hồi sinh sau 1.500 năm.

  • Tố Uyên (theo Neatorama)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giày dép 2 trong 1   (04/08/2008)
Những thanh kiếm samurai vĩnh cửu   (04/08/2008)
Olympics 2008 sẽ được truyền hình trực tuyến bằng Silverlight   (04/08/2008)
"Trong Google Earth, sự riêng tư không tồn tại"   (04/08/2008)
Phát hiện loài rắn nhỏ nhất thế giới  (04/08/2008)
Thiên văn học chứng minh được năng lượng tối  (03/08/2008)
Người bị địch cưa chân 3 lần   (02/08/2008)
Băng giá từng thống trị các vùng nhiệt đới   (01/08/2008)
Bước tiến mới trong lĩnh vực nghiên cứu năng lượng mặt trời   (01/08/2008)
Nhiều mỡ quanh tim sẽ làm tăng nguy cơ đau tim  (31/07/2008)
Phát hiện một “siêu máy tính” 2.000 năm tuổi của người Hy Lạp  (31/07/2008)
Độc thân dễ dẫn đến nguy cơ bệnh mất trí nhớ  (31/07/2008)
Trẻ em Việt Nam thấp hơn 5cm so với chuẩn thế giới  (31/07/2008)
Tuổi bắt đầu học chữ  (30/07/2008)
Dùng ong phá án giết người hàng loạt  (30/07/2008)