Cha mẹ nào chẳng muốn làm điều hay điều tốt để con mình phát triển thành một người vui vẻ, tự tin và thành công. Tuy nhiên, một nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em qua 50 năm của Mỹ đã chỉ ra một số sai lầm nhỏ mà các bậc phụ huynh mắc phải có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tính cách của con trẻ về sau.
Sau đây là 5 sai lầm lớn nhất, hậu quả của những sai lầm này và những cách khắc phục đơn giản.
1. Không dạy cho trẻ các hành vi “thay thế”
|
Hãy dạy trẻ phải xử sự thế nào cho đúng thay vì luôn quát mắng, ra lệnh cho trẻ mà không giải thích rõ cho trẻ hiểu thế nào là đúng sai |
Thay vì chỉ cho trẻ biết những gì bạn muốn trẻ làm để thay thế các hành vi sai trái thì bạn lại hay yêu cầu trẻ phải tuân theo nhiều điều cần phải làm như thế trẻ đã hiểu biết dù thực tế trẻ không có khái niệm gì về hành vi đúng/sai. Ví dụ như bạn hay la mắng trẻ: “Im nào!”, “Có thôi khóc lải nhải hay không?”, “Con phải lễ phép hơn chứ!”… Không nên tiếp tục dạy trẻ theo kiểu như vậy mà hãy dạy trẻ những hành vi mới hay kĩ năng mới thay thế những hành vi lệch chuẩn cũ.
Nói cách khác, bạn nên chỉ cho trẻ thấy bằng những hành động cụ thể và giải thích với trẻ bằng lời chứ không phải là nói suông. Chẳng hạn như khi trẻ bứt lông con chó nuôi trong nhà. Bạn nói với trẻ: “Đừng bứt lông con chó. Con làm nó đau đấy”. Sau đó, bạn chỉ cho trẻ thấy hành vi thay thế đúng chuẩn: “Con nhìn ba/mẹ này. Tay ba/mẹ đang vuốt ve con chó đấy. Con có thấy cái đuôi của nó ve vẩy không?”
Lặp lại nhiều lần những hành vi tốt thay thế để trẻ học theo.
2. Không sử dụng đúng từ theo đúng cách
Nghiên cứu chứng minh cách sử dụng từ của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của trẻ. Nhiều công trình khoa học cũng chỉ ra rằng việc sử dụng đúng từ đúng lúc có hiệu quả điều chỉnh hành vi sai lệch của trẻ hơn gấp nhiều lần so với việc thưởng cho trẻ một món quà. Vấn đề là chúng ta thường xuyên sử dụng sai từ ngữ nên đạt được kết quả không như mong đợi.
Hãy sử dụng từ ngữ cụ thể và tập trung vào hành động của trẻ chứ không phải nhằm vào chính trẻ. Kết hợp sử dụng đúng từ ngữ với ngữ điệu vui vẻ, sôi nổi là cách nhanh nhất để khuyến khích trẻ thay đổi hành vi lệch chuẩn.
Hãy sử dụng từ “bởi vì” để cụ thế hóa những lời khen ngợi. Nhờ đó, trẻ biết chính xác điều làm bạn hài lòng và sẽ cố lặp lại hành động đó để làm bạn vui.
Kích thích động lực bên trong của trẻ bằng cách sử dụng đại từ danh xưng ngôi thứ 2 nhiều hơn ngôi thứ nhất. Ví dụ, thay vì nói “ba/mẹ rất tự hào về con”, bạn hãy nói “Con nên tự hào vì…”.
Đừng ca ngợi trí thông minh của trẻ. Một nghiên cứu của trường đại học Columbia (Mỹ) trên hơn 400 trẻ học lớp 5 cho thấy em nào được khen thông minh thường sợ gặp thất bại, ít dám đối đầu với những thách thức mới và cảm thấy bị áp lực phải học hành sao cho xứng với lời khen đó. Trong khi đó, trí thông minh là thứ mà trẻ cảm thấy không thể kiểm soát được. Hãy khen ngợi nỗ lực mà trẻ đã bỏ ra để đạt được một thành tích nào đó. Thay vì nói “con rất thông minh”, hãy nói “Ba/mẹ biết là con đã phải cố gắng tập trung như thế nào để đạt được kết quả này”.
Hãy nhớ là tập trung khen ngợi nỗ lực của trẻ chứ không phải là thành tích đạt được của trẻ. Khi được khen ngợi về công sức nỗ lực, trẻ sẽ có xu hướng kiên trì và quyết chí đạt được thành công vì trẻ biết rằng nó có thể kiểm soát được khó khăn để đi đến cái đích thành công cuối cùng.
3. Kỳ vọng không thực tế đối với trẻ
Kỳ vọng quá thấp hay quá cao đối với trẻ đều không mang lại kết quả tốt đẹp mong muốn. Nhiều người hay la mắng con: “Sao con không đạt toàn điểm 10?”, “Sao con chỉ được có điểm 9?”, “Con vẫn chưa giỏi”… Những câu trách mắng kiểu này chỉ gây áp lực tâm lý nặng nề lên trẻ chứ không khơi dậy được tiềm năng thật sự của trẻ.
Hãy tìm hiểu về các mức phát triển thông thường trong các giai đoạn khác nhau của trẻ em nhưng cũng cần phải nhớ rằng tốt nhất là nên bắt đầu từ khởi điểm phát triển của chính con bạn.
Đặt trẻ vào tình huống quá khó sẽ khiến trẻ đối mặt với nguy cơ bị thất bại cao và làm trẻ mất đi sự tự tin vào năng lực bản thân. Vì vậy, hãy để cho trẻ tiến từng bước một.
Mục tiêu đặt ra phải thuộc về trẻ chứ không phải là giấc mơ của bạn.
4. Không kiên trì sửa đổi hành vi sai lệch của trẻ
Một lỗi lớn nữa mà các bậc làm cha làm mẹ hay mắc phải là không kiên trì giúp trẻ sửa đổi những hành vi sai lệch trong một thời gian đủ dài, ít nhất là 3 tuần. Kết quả là trẻ chẳng thay đổi gì. Cần phải nhớ rằng thay đổi hành vi là một tiến trình từ từ đòi hỏi phải thực sự kiên trì và lặp đi lặp lại. Thực vậy, một thói quen mới hình thành cần khoảng 21 ngày liên tục thực hành. Hãy luôn nhớ “qui tắc 21” này nếu bạn muốn xây dựng một hành vi mong muốn ở trẻ. Lưu ý, thỉnh thoảng, trước khi thay đổi hành vi sai lệch, trẻ trở nên xấu tính hẳn đi. Đừng từ bỏ mục tiêu mà bạn đề ra.
5. Không cho trẻ trải nghiệm thất bại
Nếu trẻ không được trải nghiệm một chút thất bại hay luôn luôn mong muốn cha mẹ làm sẵn mọi thứ cho mình, đứa trẻ đó sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đối mặt và giải quyết những vấn đề rắc rối trong cuộc sống của nó sau này. Bảo bọc quá cũng làm thui chột cảm giác tự tin vào khả năng của trẻ. Trẻ có xu hướng trở nên quá cầu toàn nhưng lại mau nản chí và bỏ cuộc khi làm một việc gì đó khó khăn.
Hãy để trẻ đối mặt với những thất bại với mức độ khó khăn tăng dần. Cho phép trẻ được mắc sai lầm. Chia sẻ với trẻ những sai lầm của bạn thông qua việc giải thích lý do và chỉ cho trẻ cách bạn đã giải quyết vấn đề khó khăn ra sao. Giúp trẻ rút ra kinh nghiệm bằng cách đặt ra câu hỏi như: “Con cần phải làm điều gì?”, “Con sẽ làm gì vào lần tới?”…
|