Người cao tuổi thường mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đường hô hấp và các bệnh lý về tim mạch. Theo ước tính, mỗi ngày, BVĐK tỉnh tiếp nhận khám và điều trị khoảng 70 - 80 trường hợp mắc bệnh là người cao tuổi và một nửa trong số đó phải nhập viện.
Bác sĩ Nguyễn Bá Hảo, khoa Nội Trung cao, BVĐK tỉnh, cho biết: “Những người trên 60 tuổi thường mắc các bệnh rối loạn đường tiêu hóa do ăn phải món lạ hoặc không đảm bảo vệ sinh; có người uống nước bị nhiễm khuẩn dẫn đến nôn, đau tức vùng thượng vị, tiêu chảy, rất nguy hiểm”.
Bác sĩ Hảo giải thích: cơ thể người già vốn đã thiếu nước nhưng lại không uống đủ nước. Khi có dấu hiệu mắc bệnh viêm dạ dày ruột cấp, nhiễm độc đường tiêu hóa bị tiêu chảy nhiều lần nhưng lượng nước cung cấp cho cơ thể không được đảm bảo dẫn đến mất nước, mệt, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, rất dễ dẫn đến tử vong. Một số trường hợp do chủ quan không nhập viện kịp thời cũng sẽ rất khó khăn trong quá trình điều trị bệnh.
Các bác sĩ lưu ý người cao tuổi một số dấu hiệu nhận biết các bệnh về đường tiêu hóa: sau khi ăn hoặc uống các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh thì người bệnh có cảm giác đau râm ran, khó chịu, sau đó có thể nôn, đi cầu nhiều lần kèm theo mệt mỏi. Bên cạnh đó, đôi khi một số người cao tuổi thức dậy thấy đau họng, sốt, hơi thở khó khăn, ho khan, ho khạc đờm phải nhập viện để điều trị kịp thời. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh có thể xuất hiện rầm rộ, nhưng đôi khi cũng diễn tiến âm thầm, cần phải nhập viện điều trị ngay khi có những biểu hiện trên.
Ngoài việc phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa, chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất dinh dưỡng cũng góp phần giúp người cao tuổi tránh các bệnh lý tim mạch. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm, khoa Tim mạch, BVĐK tỉnh, việc duy trì chế độ ăn đều đặn cho người cao tuổi rất cần thiết để tăng sức đề kháng, tránh để hạ đường huyết do đói hoặc bội thực, rối loạn tiêu hóa do ăn quá no… Người cao tuổi nên dùng các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, dễ tiêu, nhiều chất xơ, nên ăn nhiều rau tươi, quả chín. Nên ăn đúng giờ, nhai kỹ, nuốt chậm, tránh thức ăn cứng và trong bữa ăn hằng ngày nhất thiết phải có canh. Không nên ăn mặn, hạn chế chất cay, nóng, các chất kích thích như rượu bia…
Chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục hợp lý cũng rất cần thiết để người cao tuổi duy trì sức dẻo dai, giữ gìn sức khỏe. Cần phải vận động để điều hòa máu trong cơ thể giúp phòng các bệnh về tim mạch, phòng chống bệnh loãng xương, suy giảm trí nhớ, rối loạn tuần hoàn não, teo cơ, thoái hóa khớp… Tất nhiên, chế độ luyện tập vận động cần phù hợp theo khả năng, không nên gắng sức.
|