Các nhà khoa học đã tiến thêm một bước tới mục tiêu làm tàng hình một vật thể bằng tấm choàng công nghệ cao có khả năng bẻ cong đường đi ánh sáng sang một hướng khác trong không gian 3 chiều.
Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu trình diễn một loại siêu vật liệu mới có khả năng bẻ cong đường đi của ánh sáng trong các thí nghiệm không gian 3 chiều. Siêu vật liệu tạo ra khúc xạ ánh sáng âm. Nói cách khác, ánh sáng được tạo ra sẽ di chuyển theo hướng ngược lại với đường đi cong thông thường của nó khi xuyên qua một chất liệu nào đó. Nhờ đó, người ta có thể che giấu được các vật thể nằm trong bước sóng cực ngắn.
Thông thường, khi ta nhúng một cái que vào ly nước và quan sát cái que đó từ bên ngoài thành ly, ta sẽ thấy cái que giống như bị gãy ngay tại chỗ tiếp xúc với mặt nước. Đó là do khúc xạ ánh sáng thường thấy.
Trong thí nghiệm của các nhà khoa học, ánh sáng bị bẻ đi theo hướng khác.
Tính cho đến trước thời điểm tiến hành thí nghiệm, người ta chỉ mới tìm ra vật liệu tàng hình mỏng, 2 chiều.
Và giờ đây, các nhà khoa học Berkeley, Jason Valentine, Jie Yao, Xiang Zhang thuộc phòng thí nghiệm Quĩ Khoa học quốc gia của trường đại học California đã tạo ra một “cấu trúc mắt lưới” đa tầng “có khả năng tạo ra khúc xạ ánh sáng âm một cách rõ ràng”.
Song song đó, còn có một nghiên cứu khác sử dụng kỹ thuật plasmon-sự kích thích điện tử nhỏ trên bề mặt một số kim loại- để triệt tiêu ánh sáng nhìn thấy được hoặc sự bức xạ ánh sáng nhìn thấy được phát ra từ một vật thể. Nhờ đó, vật thể đó có thể được “hô biến”.
Công nghệ tàng hình sẽ được ưu tiên ứng dụng trong hàng không quân sự và sản xuất thiết bị y khoa tân tiến.
|