|
Quang điện cực (phải) được gắn bên ngoài phôi cá tuế 2 ngày tuổi để đo mức độ hô hấp ôxy của phôi cá. Qua đó, người ta đánh giá được nồng độ các chất gây ô nhiễm có mặt trong môi trường sống. |
Các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Purdue (Mỹ) đã dùng một quang điện cực để đo nồng độ hấp thụ ôxy trong phôi 2 ngày tuổi của cá tuế. Qua quan sát những thay đổi rắc rối diễn ra trong những cái trứng cá nhỏ bằng nửa đầu cây kim, họ có thể đánh giá được mức độ môi trường bị ô nhiễm và thậm chí có thể ứng dụng đặc tính nhạy cảm với môi trường của phôi cá để nhận biết vũ khí sinh học.
Phôi cá rất nhạy cảm với các tác nhân gây ô nhiễm và điều kiện sống căng thẳng. Thông thường, hệ thống hô hấp là cơ quan chức năng đầu tiên của cá bị tác động bởi những tác nhân gây ô nhiễm. Qua việc sử dụng sợi quang để đo lường mức độ hấp thụ ôxy của phôi cá, các nhà khoa học có khả năng nhận biết được ngay lập tức nồng độ các chất độc hóa học tồn tại trong môi trường trước khi những chất này gây ra những thiệt hại nặng nề thấy rõ.
Tác giả công trình nghiên cứu Marshall Porterfield, Phó giáo sư khoa kỹ sư sinh học và nông nghiệp của trường đại học Perdue, nói công nghệ này có thể ứng dụng trong hệ thống cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường hoặc cảnh báo sớm về vũ khí sinh học. Thậm chí, một số loại hóa chất gây ô nhiễm thường gặp như thuốc trừ sâu atrazine sử dụng phổ biến có hàm lượng thấp hoặc dưới tiêu chuẩn chấp nhận được đối với nước uống cũng bị phát hiện.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trực tuyến trên tạp chí Công nghệ và khoa học môi trường tuần trước.
|