Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) hoàn toàn trong 6 tháng đầu đảm bảo cho sự phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Song, việc thực hiện khuyến cáo nói trên vượt ngoài tầm tay của các bà mẹ.
* Chỉ 7% trẻ em được nuôi bằng sữa mẹ
Trong một buổi tuyên truyền nhóm gồm 13 bà mẹ về kiến thức chăm sóc trẻ tại thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, khi các nhân viên y tế làm trắc nghiệm về số trẻ em được nuôi bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu thì không có trường hợp nào.
|
Các giải pháp hỗ trợ cho bà mẹ NCBSM vẫn chưa được quan tâm nhiều. Ảnh: T.Hiền |
Khi sinh con trai đầu lòng, vợ chồng chị Trần Thị Ngọc Kiên, thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ, đã quyết định nghỉ làm ở nhà chăm sóc con. Tuy vậy, em bé đã được cho ăn dặm từ khi 4 tháng tuổi. Một số bà mẹ khác còn cho con ăn dặm sớm hơn khi trẻ mới được 2 tháng tuổi.
Điều dưỡng Tân Thị Lệ Chi, chuyên trách dinh dưỡng của trạm y tế xã Phước Mỹ, cho biết: “Hiện nay, xã có 61 bé dưới 6 tháng tuổi, nhưng chỉ có 17 bé được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu”.
Theo một cán bộ của Đội BVBMTE-KHHGĐ Quy Nhơn, Phước Mỹ vẫn là địa bàn có số trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tương đối cao. Các xã, phường còn lại, tỉ lệ này gần với con số không. Trong 6 tháng đầu năm 2008, Quy Nhơn chỉ có 28/1.614 trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, chiếm tỉ lệ 1,73%.
Còn theo thống kê sơ bộ từ một số địa phương có báo cáo theo dõi về tỉ lệ bà mẹ NCBSM của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong 6 tháng, tỉ lệ này chỉ có 7,08%, song nếu “căn kè” theo đúng các tiêu chuẩn NCBSM thì con số trên còn nhỏ hơn nhiều.
* Quá khó!
Khi chúng tôi thực hiện một cuộc thăm dò với các sản phụ và bà mẹ nuôi con nhỏ tại khoa Phụ sản và khoa Nhi, BVĐK tỉnh, phần lớn bà mẹ đều có chung câu trả lời không có thời gian và điều kiện để NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, ở TP Quy Nhơn, đang nuôi con 9 ngày tuổi bị bệnh vàng da tại phòng Nhi sơ sinh, khoa Nhi, cho biết: “Hiện tại, tôi đang làm việc tại một công ty tư nhân chuyên kinh doanh điện thoại. Theo chế độ, công ty chỉ cho tôi nghỉ sinh 4 tháng, lấy đâu thời gian để NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng”. Còn sản phụ Lê Thị Lan, ở xã Cát Hưng, Phù Cát đang nằm ở khoa Phụ sản lại tâm sự: “Con khỏe thì mẹ cũng đỡ cực. Nhưng ở nông thôn, chỉ cần một ngày không làm là “bí”, làm sao ôm con 6 tháng ở nhà được”.
Bác sĩ Huỳnh Thị Ngọc Thu, Trưởng khoa Chăm sóc trẻ em - Phòng chống suy dinh dưỡng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, cho biết: “Ngoài số ít chưa nhận thức đầy đủ, phần lớn bà mẹ đều mong muốn được nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Tuy nhiên, những bất cập về chế độ nghỉ thai sản, điều kiện kinh tế gia đình đã tác động đến việc NCBSM trong 6 tháng đầu đời”.
* Chiến lược quốc gia “vênh” với chính sách
Bộ Y tế nhiều năm liền vẫn kiên trì với khẩu hiệu tuyên truyền “cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu” và không ban hành hướng dẫn nuôi con bằng thức ăn bổ sung cho trẻ trong giai đoạn này. Kế hoạch hành động Quốc gia về nuôi dưỡng trẻ nhỏ giai đoạn 2006-2010 cũng được ban hành cách đây vài năm. Trên cơ sở đó, ngày 4.4.2007, tỉnh ta cũng ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng với mục tiêu đến năm 2010, tỉ lệ bà mẹ NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 40%.
Y sĩ Trần Thị Sáu, Đội BVBMTE-KHHGĐ TP Quy Nhơn, cho rằng: “Để thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc NCBSM trong 6 tháng thì phải bắt đầu từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Nhưng thực tế, ngay nữ lãnh đạo cũng chỉ nghỉ thai sản có 4 tháng thì làm sao thực hiện được”. Trong kế hoạch này, các hoạt động tuyên truyền hỗ trợ bà mẹ được tiếp cận kiến thức và thực hành NCBSM đã được ngành y tế thực hiện và phối hợp triển khai. Song, ngay khi ban hành, Chiến lược quốc gia đã “vênh” với chính sách.
Mặt khác, hiện nay, các giải pháp hỗ trợ cho bà mẹ NCBSM trong 6 tháng đầu cũng chưa được quan tâm. Ở BVĐK tỉnh - được công nhận là bệnh viện bạn hữu trẻ em - phòng Nhi sơ sinh có 30-35 trẻ điều trị nội trú nhưng bệnh viện chỉ bố trí được một phòng với 7 giường bệnh để bà mẹ nuôi con. Nhiều bà mẹ mới sinh xong không có chỗ nằm đành phải về nhà, chấp nhận nhờ người nhà trông giúp em bé. Bác sĩ Phạm Thiện Ngôn cho biết: “Chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện tối đa để người mẹ được NCBSM. Tuy nhiên, số giường nằm cho bà mẹ và bé quá ít, trong khi đó, chỉ có số ít bà mẹ ở gần có thể chạy đi chạy về “tiếp sữa” cho bé, còn những bà mẹ ở xa không nuôi được thì phải cho trẻ dùng sữa ngoài”.
Để trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tạo tiền đề cho sự phát triển sau này, thiết nghĩ các cấp các ngành hữu quan cần xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật hỗ trợ NCBSM trong 6 tháng, tăng cường giám sát thực thi luật, quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Sữa mẹ chứa nhiều globulin miễn dịch mà không một thức ăn nào có thể thay thế được. Cái lợi của việc NCBSM là sẵn có, hợp vệ sinh, đầy đủ chất dinh dưỡng và chất kháng thể bảo vệ sức khỏe của bé. NCBSM giúp giảm tình trạng trẻ thấp còi và tử vong do các bệnh tiêu chảy, viêm đường hô hấp cấp, một số bệnh lây nhiễm khác. Ngoài ra, NCBSM trong thời gian đầu cũng là một cách để trẻ phát triển cân đối, không bị béo phì. | |