|
Bác sĩ Nguyễn Văn Thạch đang phẫu thuật chữa TVĐĐ. |
Thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) đã trở thành bệnh thường gặp trong cuộc sống hiện đại. Trước đây, các bác sĩ thường mổ hở để điều trị căn bệnh gây nhiều phiền toái này.
Tuy nhiên mổ hở có nguy cơ bị biến chứng xấu sau phẫu thuật. Gần đây, các bác sĩ Bệnh viện Việt – Đức đã áp dụng kỹ thuật mới ít xâm lấn để điều trị TVĐĐ.
PGS.TS Nguyễn Văn Thạch - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, Chủ nhiệm khoa phẫu thuật cột sống, cho biết có tới 30% dân số Việt Nam bị TVĐĐ. Lứa tuổi dễ bị mắc bệnh này phần lớn trong độ tuổi lao động, từ 22-50 tuổi.
Cột sống có vị trí đặc biệt trong cơ thể, giúp người ta có thể cúi, ngửa, vặn mình và được ví như một trục chống đỡ của cơ thể, được nối lại bằng nhiều đốt sống khác nhau, giữa các đốt là đĩa đệm. Đồng thời nó còn là yếu tố giúp cột sống phân tán trọng lực và lực đè ép từ bên trên do khiêng vác vật nặng và chống rung lắc của cơ thể.
Để thực hiện được các chức năng trên, đĩa đệm có cấu tạo đặc biệt gồm một nhân nhày, bao quanh là bao xơ dày, chắc và các dây chằng. Nhưng khả năng này sẽ bị mất khi đĩa đệm bị ép lồi ra khỏi vị trí bình thường.
Nguyên nhân thường là do quá trình thoái hóa tự nhiên, mang, vác, xách quá nặng, tư thế không đúng. Ngoài ra, các tai nạn cũng có thể gây TVĐĐ.
TVĐĐ thường xảy ra ở đốt sống cổ với các biểu hiện đau vùng gáy, vai, đau, tê, mất cảm giác từng vùng ở cả tay, cổ tay, bàn tay, giảm cơ lực tay.
Các hiện tượng đau, nhức, tê tăng lên hay giảm xuống theo cử động cổ tay... Bệnh cũng xuất hiện ở đốt sống thắt lưng, bệnh nhân thấy đau vùng thắt lưng, cảm giác đau tăng khi nằm nghiêng, ho và đại tiện, đau, tê, mất cảm giác từng vùng ở mông, chân, bàn chân.
Nếu bệnh nặng có thể bị liệt. Ngoài ra bệnh nhân bị hạn chế cử động cột sống, không còn khả năng ưỡn của thắt lưng, không cúi được sâu.
Phương pháp can thiệp mới giúp giảm biến chứng
Ở Việt Nam, bệnh nhân thường nhập viện muộn, khi bệnh đã ở giai đoạn ba hoặc bốn nên việc điều trị bằng nội khoa hoặc tái tạo nhân nhầy bị hạn chế. Hầu hết những bệnh nhân này thường phải mổ hở để điều trị triệt để TVĐĐ.
Tuy nhiên, những biến chứng của mổ hở có thể xảy ra như chảy máu hoặc nhiễm trùng vết mổ, đau tăng lên sau mổ, liệt hoặc thậm chí gây tử vong. Nhiều trường hợp, sau mổ hở xuất hiện những biến chứng muộn viêm vùng mổ, tăng sinh mô xơ sợi, dính rễ thần kinh...
TS Thạch cho biết thêm, mổ hở gây một vết thương chừng 5-6cm, một phần cơ thể không bị bệnh sẽ phải bị cắt và banh ra, đồng nghĩa với việc phải phá hủy một lớp gân cơ, xương, đám rối thần kinh... khiến cột sống đang bị tổn thương, lại trở nên lỏng lẻo, kém vững bệnh nhân chuyển từ đau thần kinh do đĩa đệm chèn ép khi chưa mổ thành đau cơ học do các đốt sống cọ vào nhau, gây đau đớn hơn nhiều so với khi chưa mổ đĩa đệm. Có những bệnh nhân sau 3 hoặc 6 tháng đã tái phát các cơn đau.
Để tránh cho bệnh nhân những đau đớn nói trên, Bệnh viện Việt - Đức đã áp dụng kỹ thuật cáp quang bằng hệ thống quaderalt để mổ cho bệnh nhân. Theo đó, sau khi rạch đường nhỏ khoảng 1 cm, bác sĩ sẽ đưa hai ống cáp quang hỗ trợ phẫu thuật viên làm tăng sáng và nhân rộng hình ảnh vùng mổ.
Cách làm này giúp phẫu thuật viên tránh gây tổn thương khu vực xung quanh, lấy nhân thoát vị dễ dàng nhưng vẫn giúp bệnh nhân giữ được độ vững cột sống, tránh được khả năng tái phát hơn hẳn so với mổ mở.
Đến nay đã có hơn 100 bệnh nhân được mổ bằng phương pháp này và không thấy tai biến xảy ra. Với kỹ thuật mới, bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh, có thể ra viện sau khi mổ một tuần.
Thời gian mổ cho một bệnh nhân bị TVĐĐ từ 30 phút đến 4 tiếng đối với vùng thắt lưng và 45 phút đến 5 tiếng đối với TVĐĐ vùng cổ. TS Thạch khuyên, sau mổ bệnh nhân nên vận động sớm giúp tránh cho các rễ thần kinh bị dính. Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm của mổ hở và sẽ gây đau sau này.
Điều quan trọng đối với bệnh nhân sau mổ TVĐĐ là tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Khoảng sáu tháng sau mổ, bệnh nhân có thể bình phục sức khỏe hoàn toàn. Tuy nhiên sau mổ 3 - 4 tuần bệnh nhân có thể đi làm trở lại nhưng vẫn phải kiêng cữ và tiếp tục điều trị vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.
. Theo TPO |