|
Robot Gordon với “bộ não” được cầm riêng phía trên |
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Kevin Warwick tại Đại học Reading (Anh) vừa công bố Gordon, robot đầu tiên được điều khiển bằng... mô não sống của chuột. Thí nghiệm đột phá này nhằm tìm hiểu cấu trúc cơ sở của trí nhớ và nhận thức, cách lưu trữ ký ức trong não, cũng khám phá ranh giới mờ nhạt giữa trí tuệ nhân tạo và tự nhiên.
Trông hơi giống nhân vật chính trong phim hoạt hình bom tấn “Wall-E”, Gordon có bộ não chứa 50.000-100.000 neuron sống. Các tế bào thần kinh trích từ bào thai chuột được sắp xếp trong một môi trường giàu chất dinh dưỡng qua một mạng gồm 60 điện cực, kích thước 8cm x 8cm.
Mạng “đa điện cực” (MEA) này hoạt động như giao diện giữa mô sống và máy móc, với bộ não phát xung điện để chạy bánh xe robot và nhận xung điện từ các bộ phận cảm biến ghi nhận tác động của môi trường. Não là mô sống nên được đặt trong một bộ phận có điều hòa nhiệt độ và giao tiếp với “cơ thể” robot bằng công nghệ truyền thông không dây Bluetooth.
Trong 24 giờ sau khi khởi động, các neuron đã bận rộn thăm dò nhau và nối kết. Sau một tuần, nhóm ghi nhận một số kích thích tự phát và hoạt động như những gì diễn ra trong một bộ não bình thường của chuột. Gordon còn biết tự học trong chừng mực nào đó, như khi đụng tường, nó nhận một kích thích xung điện từ các bộ phận cảm biến. Gặp tình huống tương tự, nó nhận biết nhờ thói quen.
Vì lý do đạo đức, các nhà nghiên cứu không sử dụng neuron người trong thí nghiệm nhưng tế bào não chuột cũng là một mô hình có lợi bởi phần lớn sự khác biệt giữa trí tuệ người và chuột có thể do số lượng mà không do chất lượng. Não chuột có khoảng 1 triệu neuron, giống một phiên bản đơn giản của não người có đến 100 tỷ neuron.
Công trình độc đáo này giúp tìm hiểu sự gắn bó chặt chẽ giữa hoạt động của các neuron riêng rẽ trong hoạt động phức tạp của cả hệ thống. Nghiên cứu còn giúp tìm cách điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer và Parkinson.
. Theo SGGP
|