|
Không khí ô nhiễm, bệnh tai mũi họng ngày càng gia tăng. |
Tại Hà Nội, khoảng 80% bệnh nhân viêm mũi dị ứng do bụi nhà. Tại TP.HCM, tỷ lệ này lên đến 90%. Bụi nhà cũng đủ các thành phần ô nhiễm như bụi đường.
Ngày 22.8, BS. Võ Quang Phúc - Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM cảnh báo, chỉ trong 5 năm (2001 - 2005), lượng bệnh nhân phải điều trị nội trú vì các bệnh tai mũi họng tăng gần gấp 2. Trong đó, viêm mũi chiếm 45%. Một trong những nguyên nhân chính là bụi, khí thải, khói xe. Hơn thế nữa, ngay tại trong nhà, 80 - 90% có thể mắc bệnh viêm mũi dị ứng vì bụi.
Từ ngoài đường, bụi vào trong nhà
BS. Võ Quang Phúc cho biết, qua kiểm tra sức khỏe nhân dân xã Đông Thạnh - Hóc Môn (cạnh bãi rác Đông Thạnh TP.HCM), 90% mắc các bệnh viêm mũi - họng. Trong số bệnh nhân nói trên, viêm mũi - xoang chiếm 45%. Viêm mũi - xoang có 4 loại: viêm do vi trùng, viêm do dị ứng, viêm do nấm, và viêm do chất kích thích. Hầu hết 4 loại viêm này đều bị tác động của yếu tố bên ngoài, đặc biệt là môi trường (bụi, khói, các hóa chất trong không khí...).
Vì vậy, BS. Phúc khẳng định: Một trong những nguyên nhân gây tình trạng gia tăng bệnh tai mũi họng là do ô nhiễm không khí. Ô nhiễm này bắt nguồn từ nắng nóng, khói xe, khí thải nhà máy - xí nghiệp, từ bụi đường hay bụi của các công trình xây dựng, đặc biệt là bụi xi-măng.
"Không cần phải đi ra ngoài; ngay khi ở trong nhà, chúng ta vẫn có thể mắc bệnh viêm mũi" - BS Phúc cảnh báo. Một khảo sát gần đây cho thấy ở Hà Nội, viêm mũi dị ứng do bụi nhà chiếm khoảng 80%, còn ở TP.HCM, tỷ lệ đó lên đến 90%. Bụi nhà cũng có toàn bộ thành phần ô nhiễm tương tự như bụi hạt ở ngoài đường.
Trong khi đó, theo số liệu ô nhiễm môi trường năm 2006 do Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cung cấp, chỉ số bụi ở 6 trạm quan trắc trên địa bàn thành phố đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam từ 1,5 - 2,5 lần.
"Dính" bệnh chỉ sau 6 tháng sống trong ô nhiễm
Khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí thường xuyên, cơ thể sẽ phản ứng bảo vệ bằng hắt hơi, sổ mũi. Nhưng khoảng 6 tháng sau, vùng mũi - họng bắt đầu viêm nhiễm. Đây là những vùng cơ thể vô cùng mỏng manh, nơi tập trung nhiều dây thần kinh và mạch máu.
Bên cạnh đó, tai mũi họng là những hang, những hốc rất phức tạp, nằm ngay dưới sọ não, gần kề với các dây thần kinh sọ và ổ mắt. Do đó, nếu các cơ quan này bị viêm nhiễm không được điều trị đúng cách và sớm dễ gây biến chứng đến các cơ quan lân cận.
Theo thống kê của BV Tai Mũi Họng TP.HCM, năm 2001, bệnh nhân nội trú là 115.965. Năm 2002, con số này là 149.486. Năm 2003 bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 173.276 bệnh nhân. Năm 2004 là 202. 321 bệnh nhân và đến năm 2005, con số này đã tăng lên gần gấp 2 lần so với năm 2001, 212.404 ca. |
"Nhẹ nhất, người bệnh có thể không thể thở được bằng mũi do viêm mũi mãn tính, dẫn đến những biến chứng như thịt dư trong mũi. Viêm nhiễm ở tai mũi họng có thể dẫn đến viêm đường hô hấp dưới, viêm đường tiêu hóa, viêm ở vùng mắt (phù nề, áp-xe ổ mắt). Thậm chí nặng hơn, bệnh nhân có thể bị viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch xoang trong - các mạch máu to ở phía sau hốc mắt, và tử vong.
Vì vậy, bệnh nhân cần phải đi khám chuyên khoa ngay khi sổ mũi xanh. Nước mũi xanh đặc bản chất là xác bạch cầu và vi khuẩn, gọi là "nhầy mũi"," BS. Phúc nói.
Hiện tại để phòng ngừa ô nhiễm không khí, cách đơn giản nhất là mang khẩu trang khi đi ra ngoài đường. Tuy nhiên, với những khẩu trang làm bằng vải bán ngoài đường, khả năng lọc bụi, khói rất hạn chế. Do đó, các chuyên gia về tai mũi họng khuyên nên dùng khẩu trang y tế, có nẹp cứng, để bóp chặt ngay sóng mũi. Mỗi hộp khẩu trang vài chục cái có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/hộp.
Còn khi về nhà, chúng ta có thể vệ sinh mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Nước muối sinh lý tương đương với dịch cơ thể, nên không làm hại niêm mạc mũi, đồng thời ngăn ngừa làm sạch bụi bặm bám trong mũi.
Ở một số loại nước muối sinh lý, người ta có thể thêm vào một số vi lượng như lưu huỳnh, magiê... nhằm làm tăng cường sức đề kháng của niêm mạc mũi. Vệ sinh mũi lâu dài với nước muối sinh lý không bị tác dụng phụ, kể cả với trẻ em.
. Theo VNN |