|
Ảnh: Corbis.com. |
Triệu chứng của viêm ruột thừa thường bắt đầu bằng sốt nhẹ, đau xung quanh rốn và có thể kèm nôn mửa, tiêu chảy hay táo bón... Khi nghi con bị bệnh này, bạn đừng tự ý cho bé uống thuốc hoặc cho ăn hay uống thứ gì.
Ruột thừa là một cơ quan nhỏ như ngón tay dính với ruột già nằm ở phía dưới bên phải của ổ bụng. Bên trong ruột thừa hình thành một túi cùng thường mở ra vào ruột già. Khi hoạt động mở của chiếc túi cùng này bị cản trở, ruột thừa sưng lên và có thể dễ bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn. Nếu ruột thừa bị nhiễm trùng không được cắt bỏ, nó có thể vỡ và truyền vi khuẩn đi, gây nhiễm trùng khắp vùng bụng, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Viêm ruột thừa thường ảnh hưởng đến trẻ, đặc biệt trong độ tuổi 11-20. Phần lớn các ca bệnh xảy ra từ tháng 5 đến tháng 10. Những trẻ mà tiền sử gia đình có người bị viêm ruột thừa có thể tăng nguy cơ mắc bệnh này, đặc biệt ở bé trai.
Viêm ruột thừa không phải là nguyên nhân thường gây ra đau bụng, nhưng các bậc cha mẹ có khuynh hướng lo lắng nhiều về chứng bệnh này khi nó xảy ra với trẻ. Điều quan trọng là phải biết cách nhận ra các dấu hiệu của căn bệnh này và phân biệt nó với bệnh đau dạ dày để chăm sóc trẻ hợp lý.
Các triệu chứng đặc trưng của viêm ruột thừa:
- Đau bụng dữ dội, đặc biệt vùng quanh rốn hay vùng bụng dưới bên phải (cơn đau có thể bắt đầu xuất hiện rồi hết, sau đó trở thành cơn đau kéo dài và đau nhói).
- Sốt nhẹ.
- Không muốn ăn.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Tiêu chảy (đặc biệt tiêu ít và có nước nhầy).
- Thường xuyên đi tiểu và/hoặc cảm thấy nặng bụng buộc phải đi tiểu.
- Bụng sưng hoặc trương lên, nhất là ở trẻ nhỏ.
Nếu bệnh không được điều trị thì ruột thừa bị viêm có thể vỡ trong vòng 24 đến 27 giờ sau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Nếu ruột thừa bị vỡ, cơn đau ở trẻ có thể lan ra khắp vùng bụng và trẻ có thể bị sốt rất cao.
Nếu nghi ngờ con bị viêm ruột thừa, hãy đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc hoặc cho ăn hay uống thứ gì.
. Theo Sức Khỏe & Đời Sống |