Tình trạng mắc bệnh viêm gan siêu vi B (HBV) trong cộng đồng khá phổ biến, trong khi công tác điều trị vẫn còn hạn chế… Đó là những thông tin được đưa ra trong Hội thảo khoa học Gan Mật toàn quốc lần thứ tư vừa được Hội Gan Mật Việt Nam tổ chức tại TP Quy Nhơn.
|
90% trẻ nhiễm HBV từ mẹ chuyển sang giai đoạn mạn tính. Ảnh: T.H
|
* 90% trẻ nhiễm HBV từ mẹ dễ chuyển sang mạn tính
Trong khi tỉ lệ nhiễm HBV ở ngưỡng cao của thế giới là 5-10%, thì nghiên cứu của các bệnh viện ở Việt Nam, ước tính tỉ lệ này là 10-20%.
Ở tỉnh ta, theo thống kê từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, năm 2004 trong số 12.538 người đến trung tâm làm xét nghiệm máu có 1.820 người dương tính với vi rút HBV, chiếm tỉ lệ 14,5%. Từ đó đến nay, tỉ lệ này tăng dần. Năm 2005: 20%, năm 2006: 23,4% và năm 2007: 24,7%.
Bệnh HBV rất nguy hiểm, lây nhiễm từ người này sang người khác theo 3 đường lây chủ yếu: máu và các vật phẩm dính máu, quan hệ tình dục, mẹ sang con.
Giáo sư - Tiến sĩ Hà Văn Mạo, Chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam, cho biết: “Trong 3 đường lây bệnh, nguy hiểm nhất phải kể đến đường lây từ mẹ sang con. 90% trẻ nhiễm HBV từ mẹ sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính, trong khi tỉ lệ này ở người lớn chỉ khoảng 5%. Ở giai đoạn mạn tính, việc điều trị càng khó khăn”.
Đáng lo ngại hơn, nhiều trường hợp mắc bệnh hoàn toàn không có triệu chứng gì của bệnh. Do đó, cả bệnh nhân, người nhà, lẫn thầy thuốc (nếu không khám kỹ và có thiết bị hỗ trợ chẩn đoán) cũng không thể phát hiện ra bệnh và trở thành nguồn lây lan trong cộng đồng.
Mặt khác, với những trường hợp phát hiện bệnh muộn sẽ dễ dẫn tới xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Vài năm trở lại đây, các bác sĩ lâm sàng đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh xơ gan và ung thư gan nguyên phát khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm 2006, BVĐK tỉnh tiếp nhận và điều trị 18 trường hợp ung thư gan ở lứa tuổi 12-37 và năm 2007 cũng ngần ấy con số.
* Hạn chế trong điều trị
Tại Hội thảo, trong số nhiều đề tài được báo cáo, có một số đề tài đã nghiên cứu các giải pháp điều trị hiệu quả bệnh HBV. Ở nước ta, thuốc điều trị HBV có hai dạng chính là tiêm và uống. Lamivudine là thuốc đặc trị HBV đầu tiên có mặt ở nước ta. Sau thời gian sử dụng điều trị hiệu quả, các nhà nghiên cứu phát hiện hiện tượng kháng thuốc ở loại thuốc này khá cao. Mới đây, Entecavir được đánh giá có khả năng hiệu quả chữa trị cao và chống lờn thuốc nhưng các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, theo thời gian, tỉ lệ kháng thuốc, nhờn thuốc càng cao. Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc hiện nay chỉ giúp ngăn lượng vi rút HBV trong máu chứ chưa tiêu diệt hoàn toàn vi rút trong gan.
Hạn chế lớn nhất trong điều trị HBV là các loại thuốc (cả tiêm và uống) đều khá đắt tiền, trong khi thời gian điều trị bệnh phải kéo dài 2-3 năm, thậm chí 6 năm và hiệu quả cũng không phải hoàn toàn như mong đợi của bệnh nhân.
Các tác giả của các đề tài được báo cáo tại hội thảo đưa ra con số minh chứng, đối với thuốc tiêm Interferon, trong 6 tháng điều trị, người bệnh phải chi phí trên 50 triệu đồng. Còn điều trị bằng thuốc Entecavir thời gian tối thiểu là 6 tháng, người bệnh cũng phải chi phí gần 10 triệu đồng.
* Chiến lược toàn diện phòng chống HBV
Cách đây vài năm, Bộ Y tế đã triển khai tiêm phòng vaccin phòng bệnh HBV cho trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế có điều kiện. Đây là cách phòng bệnh rất hiệu quả, bảo vệ trẻ không nhiễm HBV 90-94%. Kinh nghiệm từ một số nước đã triển khai chương trình này cho thấy, phải mất hơn 20 năm mới làm giảm được tỉ lệ nhiễm HBV trong cộng đồng.
Trong thời gian qua, trước một số “sự cố” tiêm phòng vaccin phòng bệnh HBV ở trẻ sơ sinh, gần đây nhất là ở Cà Mau, nhiều cha mẹ không muốn cho trẻ tiêm phòng. Tuy nhiên, Giáo sư - Tiến sĩ Hà Văn Mạo khẳng định, đến thời điểm này, tiêm phòng vaccin cho trẻ sơ sinh là phương pháp phòng bệnh HBV tốt nhất, hiệu lực nhất và cũng là phương pháp phòng bệnh ung thư gan hiệu quả nhất. |
Vì thế, Giáo sư - Viện sĩ Phạm Song, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, cho rằng, cần phải có chiến lược toàn diện phòng chống HBV.
Chiến lược sẽ tập trung giáo dục truyền thông thay đổi hành vi; sản xuất vaccin phòng bệnh HBV đủ lượng bao phủ thành vaccin thứ 7 trong chương trình tiêm chủng mở rộng và huyết thanh kháng HBV dùng cho trường hợp có nguy cơ; phòng chống qua đường máu và sản phẩm y học từ máu; phòng chống lây từ mẹ nhiễm HBV sang con thời kỳ chu sinh (quan trọng nhất); phòng chống phơi nhiễm với dụng cụ có nhiễm HBV; sàng lọc HBV mạn tính nhóm nguy cơ cao về xơ gan và ung thư gan nguyên phát; điều trị giảm lây, giảm tần suất chuyển sang xơ gan và ung thư gan; cập nhật các thông tin về điều trị xơ gan, ung thư gan, phát triển y học cổ truyền bổ sung điều trị; tầm soát người mang kháng nguyên bề mặt của vi rút siêu vi B dương tính trong cộng đồng.
|