|
Tổn thương về mặt tâm lý tác động kéo dài hơn tổn thương về mặt thể chất. Ảnh minh họa |
Các nhà tâm lý học vừa mới chứng minh rằng lời nói gây tổn thương tình cảm của con người khiến người ta nhớ dai và đau đớn hơn tổn thương về mặt thể chất.
Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu những tình nguyện viên nhớ lại những lần mà họ bị đau đớn, khổ sở về mặt thể xác cũng như những vết thương tinh thần mà họ đã trải nghiệm trong vòng 5 năm qua.
Các vết thương tinh thần là những tương tác tình cảm không đem lại cảm giác thoải mái, dễ chịu kiểu như bị lừa dối, bị bỏ rơi…Nghiên cứu gọi đó là “nỗi đau mang tính xã hội”.
Các tình nguyện viên kể ra một loạt những trải nghiệm và sau đó làm một trắc nghiệm tâm lý để so sánh mức độ đau đớn mà họ đã cảm nhận được trong quá khứ và hiện nay về những trải nghiệm đó như thế nào.
Kết quả phân tích cho thấy nỗi đau do các sự kiện mang tính xã hội không đem lại cảm giác dễ chịu khắc sâu mạnh mẽ trong trí óc hơn là những tổn thương thực thể gây ra.
Các đối tượng nghiên cứu cũng phải hoàn thành những bài tập tâm thần khó sau khi được sống lại 2 loại trải nghiệm thương đau. Kết quả làm bài của họ sau khi nhớ lại nỗi đau thể xác tốt hơn sau khi sống lại nỗi đau tinh thần.
Kết quả nghiên cứu của nhóm khoa học Australia và Mỹ đã được đăng trên tạp chí Khoa học tâm lý số ra mới nhất. Nó làm dấy lên nhiều câu hỏi thắc mắc vì sao chúng ta lại nhớ những tổn thương tinh thần sâu đậm và dai đến vậy.
Có thể đó vì “tác dụng phụ” không chủ định trong sự tiến hóa của vỏ não, nơi xử lý suy nghĩ phức tạp, nhận thức và ngôn ngữ của con người.
Nhóm nghiên cứu dự định sẽ tiếp tục thử nghiệm trên đối tượng nghiên cứu là người lớn tuổi để kiểm chứng lại kết quả của mình vì người lớn tuổi thường trải qua nhiều nỗi đau kéo dài.
|