|
Hình ảnh bộ não chụp bằng cộng hưởng từ. |
Các chuyên gia Pháp vừa hủy thành công các u di căn trong não bằng tia lade. Phương pháp này sử dụng công nghệ hình ảnh cộng hưởng từ hạt nhân mà không cần mở hộp sọ.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi sử dụng công nghệ lade trong việc giải phẫu trong sọ, tức là giữ nguyên hộp sọ khép kín, và sử dụng công nghệ hình ảnh cộng hưởng từ hạt nhân để tránh tổn thất cho các bộ phận xung quanh", BS.Alexandre Carpentier (Bệnh viện Pitié-Salpetrière, Paris) - người chỉ đạo ê-kíp chuyên gia thực hiện "sự kiện đầu tiên trong ngành phẫu thuật thần kinh thế giới" cho biết.
Để thực hiện ca phẫu thuật này, các chuyên gia đã gây tê một phần trong hộp sọ bằng cách khoan một lỗ nhỏ 3 mm, luồn một sợi quang gắn lade vào hộp sọ.
8 bệnh nhân luôn tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật đã tham gia vào thử nghiệm lâm sàng được thực hiện dưới sự giám sát của Cơ quan An toàn vệ sinh các sản phẩm y tế Pháp.
"Các bệnh nhân bị di căn não do các bệnh ung thư khác nhau (đa số là ung thư phổi và ung thư vú) không thể điều trị được bằng hóa liệu, trị xạ… và không thể phẫu thuật mở được do không thể gây mê toàn diện. Nếu không điều trị kịp thời, họ chỉ có thể sống thêm ba tháng nữa", BS. Carpentier cho biết. Ông cũng khẳng định kết quả điều trị rất khả quan, "không hề có biến chứng (phù nề, động kinh)".
Từ tháng 12.2006 đến tháng 2.2008, 8 bệnh nhân đã được điều trị theo phương pháp mới này. Vào tháng 3.2007, ê-kíp đã khẳng định được hiệu quả của phương pháp điều trị u bằng lade, nhờ đó họ đã được phép mở rộng phạm vi điều trị (nhiều ca di căn, trong số đó có những người bị di căn trên diện rộng).
Khi đã định vị được khối u và đã luồn dây quang vào trong hộp sọ, lade bắt đầu được kích hoạt và đốt nóng khối di căn trong vòng một đến hai phút rồi hủy khối di căn. Một hệ thống tin học cho phép điều chỉnh năng lượng do lade giải phóng ra, hơi nóng được kiểm soát 3 giây một lần để không vượt quá 90 độ. Các bản đồ nhiệt cho phép nhận ra những vùng đã bị hủy.
"Bệnh nhân không cảm thấy gì trong quá trình điều trị và thường thì có thể xuất viện 14 giờ sau".
Phương pháp điều trị này dựa trên kết quả nghiên cứu chung của Trung tâm chống ung thư Anderson tại Houston và hãng BioTex (Texas, Hoa Kỳ).
Các tác giả cho biết: “Cách điều trị này mở màn cho việc phát triển các kỹ thuật sử dụng công nghệ hình ảnh cộng hưởng từ hạt nhân trong phẫu thuật thần kinh”.
BS. Carpentier nói ông cần 2 triệu ơ-rô nữa để tiếp tục nghiên cứu với nhà nghiên cứu vật lý Julian Itcowitz.
“Chúng tôi tìm cách tối ưu hóa cách điều trị này bằng cách sử dụng thêm siêu âm kết hợp với sử dụng công nghệ hình ảnh cộng hưởng từ hạt nhân”, ông giải thích.
. Theo VNN
|