Sắt là một vi chất dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Thiếu máu do thiếu sắt gây mệt mỏi, giảm khả năng lao động, học tập và là yếu tố nguy cơ đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Vì thế, giải pháp bổ sung sắt vào nước mắm để trị thiếu máu được đánh giá là phù hợp và thuận tiện. Cuối tháng 8 vừa qua, mẻ nước mắm bổ sung chất sắt đầu tiên ở Bình Định đã được đưa ra thị trường.
|
Tham quan mẻ nước mắm bổ sung sắt đầu tiên tại Bình Định (Công ty TNHH Mười Thu).
|
* Chất lượng không thay đổi
Dự án “Bổ sung chất sắt vào nước mắm” nằm trong Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010 của Bộ Y tế, được triển khai vào năm 2005. Trong giai đoạn đầu, Viện Dinh dưỡng chọn 10 đơn vị sản xuất nước mắm để tiến hành triển khai dự án và Bình Định có một doanh nghiệp được chọn là Công ty TNHH chế biến nước mắm Mười Thu (huyện An Nhơn).
Tiến sĩ Phạm Vân Thúy, Phó trưởng khoa Vi chất, Viện Dinh dưỡng, điều phối viên dự án, cho biết: “Khi tham gia vào dự án, Công ty TNHH chế biến nước mắm Mười Thu phải đáp ứng những yêu cầu rất khắt khe về cơ sở hạ tầng, con người… Trước đây, khi chúng tôi vào khảo sát, Công ty có quy mô sản xuất rất lớn nhưng vẫn sản xuất theo kiểu truyền thống. Để hoàn thiện các tiêu chí nói trên, 6 tháng trước chúng tôi đã hỗ trợ Công ty về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, con người cũng như yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Viện Dinh dưỡng cũng đã chuyển giao công nghệ chế biến nước mắm bổ sung sắt cho Công ty. Trước khi đưa mẻ nước mắm bổ sung sắt đầu tiên ra thị trường, Viện cũng đã phối hợp với Sở Y tế và Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Quy trình sản xuất nước mắm bổ sung chất sắt không ảnh hưởng gì đến quy trình sản xuất nước mắm truyền thống. Khi hoàn thiện sản phẩm, thay vì đóng chai ngay, thì cơ sở phải cho một liều lượng chất sắt bổ sung phù hợp vào để khuấy trong thời gian 1,5-2 giờ, rồi mới qua bộ lọc để đóng chai nên chất lượng sản phẩm nước mắm không bị thay đổi. Viện Dinh dưỡng sẽ tiếp tục hỗ trợ Công ty về kỹ thuật và kiểm soát chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường.
* Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Ông Đặng Văn Thử, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, cho biết: “Nước mắm bổ sung sắt là một sản phẩm mới, nên người tiêu dùng cũng khó chấp nhận ngay. Vì vậy, Công ty đã vận động các nhà phân phối để họ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng”.
Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng phổ biến trong sức khỏe cộng đồng với tỉ lệ 40% ở phụ nữ có thai và trẻ nhỏ; 30% ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ; 15% ở nam giới.
(Điều tra của Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế) |
Theo tiến sĩ Phạm Vân Thúy, người tiêu dùng bao giờ cũng có sự cân nhắc, lựa chọn để tiếp nhận sản phẩm mới. Vì thế, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu được rằng, nước mắm này là một sản phẩm vừa có lợi cho sức khỏe vừa không thay đổi chất lượng. Kinh nghiệm từ các tỉnh khác cho thấy, khi đã được tuyên truyền rõ ràng, cụ thể về lợi ích của sản phẩm thì người tiêu dùng sẽ mạnh dạn tiếp nhận. Do đó, sau buổi ra mắt mẻ nước mắm đầu tiên, Viện Dinh dưỡng vẫn tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế, nhân viên cũng như các đại lý của Công ty để giúp họ hiểu hơn về dự án và tuyên truyền đến người tiêu dùng.
Về phía tỉnh cũng có chiến lược truyền thông do Hội LHPN tỉnh triển khai thực hiện từ nay đến cuối năm 2008 để sản phẩm đến với người dân.
|