Ai đã từng một lần đi chuyến xe khách Hoài Nhơn - Quy Nhơn, không thể không ấn tượng về họ. Đầu đội mũ rộng vành, khăn che mặt, áo khoác kéo lên tận cổ, tay chân bao kín mít. Họ đang làm một cái nghề vất vả, bất trắc, những tưởng chỉ là độc quyền của đàn ông. Họ là những nữ phụ xe...
|
Nặng nhọc khuân hàng xuống xe. |
* Gian truân cũng một cái nghề…
Hợp tác xã Vận tải Hoài Nhơn có 50 xe khách chạy tuyến Hoài Nhơn - Quy Nhơn, trong số đó, hơn một nửa số xe có phụ xe là nữ. Chị Trương Thị Chanh (người thôn Gia An, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn) đã theo nghề này được bốn năm. Nắng cũng như mưa, năm giờ sáng, chưa “nhọ” mặt người, hai vợ chồng chị đã khởi hành; mãi đến tối mịt mới về đến nhà, chân tay đã rã rời.
Vất vả vậy, nhưng chưa khổ bằng những ngày vắng khách. Chị Chanh kể: “Những ngày đầu khi có tuyến xe buýt Quy Nhơn - Hoài Nhơn (tháng 9. 2007), các xe khách bị mất một lượng khách hàng, xe nào cũng hoạt động cầm chừng. Nhiều hôm, xe đi được nửa đường, mà mới chỉ lèo tèo vài người khách. Nhiều chủ xe không trụ nổi, đã bán xe. Lượng xe khách đã giảm, nên cuộc sống của những người bám trụ với nghề chạy xe khách cũng dần ổn định hơn. Nghĩ về những ngày ấy mà buồn thấu ruột”.
Đi xe có vợ, có chồng như chị Chanh còn đỡ vất vả cho các chị, bởi lúc có hàng hóa nặng, đã có các “bác tài” xuống đỡ đần. Còn như chị Phượng, ở thị trấn Tam Quan, làm nghề này từ năm 16 tuổi, đến nay đã gần chục năm. Người lái xe là ba chị, năm nay tuổi đã 53. Sức khỏe không đảm bảo, nên ông không thể đỡ đần gì cho con gái. Vậy là không chỉ “bắt” khách, thu tiền, chị còn “bao” hết các việc như khuân vác, bốc dỡ hàng hóa lên xuống trần xe. Chị Phượng cho biết: “Nhiều lần, tôi phải cố hết sức để vận chuyển các kiện hàng nặng hơn 50 ký. Kể cũng vất vả”.
Trong những nữ phụ xe trên tuyến Hoài Nhơn - Quy Nhơn, chị Lưu Thị Quang Hợp, 43 tuổi, người xã Hoài Châu Bắc, có thâm niên nhất với hơn hai mươi năm kinh nghiệm. Mọi vất vả, thậm chí hiểm nguy chị đều đã trải. Chị Hợp tâm sự: “Không phải ai cũng có thể làm được nghề này. Đôi khi, vì miếng cơm manh áo mà phải đánh đổi nhiều thứ, có khi phải chịu cả nguy hiểm”. Khi đón khách, phải liên tục nhảy lên nhảy xuống, trượt té, trầy xước là chuyện thường. Không chỉ thế, đã làm phụ xe, là chấp nhận dầm mưa dãi nắng, “nhan sắc tàn phai” là chuyện đương nhiên. Có lẽ bởi vậy, mà hầu hết những nữ phụ xe đều già trước tuổi. Dù đã cố “bao bọc, che chắn”, nhưng nước da các chị ai cũng sạm đen vì nắng, gió...
|
Một nữ phụ xe đang đón khách. |
* Cháy bỏng những ước mơ
Là nữ phụ xe, các chị có ưu thế hơn phụ xe là nam giới ở cách nói năng, cư xử nhẹ nhàng, biết làm khách hài lòng. Không chỉ thế, với những nữ phụ xe đi cùng chồng, nếu biết tính toán, quản lý, thu nhập sẽ cao hơn. Tất nhiên, thu nhập hằng ngày của họ cũng còn tùy thuộc vào chất lượng xe và thái độ phục vụ. Chẳng hạn, sau khi trừ hết mọi chi phí, bình quân vợ chồng chị Hợp kiếm được 200.000 đồng/ngày. Trong khi đó, những cặp vợ chồng làm công cho chủ xe, thu nhập thấp hơn, có người hàng tháng chỉ nhận được khoảng hai triệu đồng cho cả hai vợ chồng.
Giá nhiên liệu tăng, khách ế, không tránh khỏi có những lúc hai vợ chồng gây gổ với nhau. Người viết bài này cách đây hai năm từng chứng kiến, trên đường vào Quy Nhơn, đã xảy ra một cuộc xô xát giữa hai vợ chồng người lái xe. Không bắt được khách, chồng cáu giận, cô vợ cũng không vừa. Hậu quả là mặc cho hành khách cố sức can ngăn, anh chồng vẫn dừng xe, lôi vợ xuống vệ đường cho mấy bạt tai.
Cả ngày rong ruổi trên đường, nhiều cặp vợ chồng không thể quan tâm, chăm sóc con cái. Như chị Hương, con gái lớn của chị chuẩn bị bước vào đại học, đứa út thì đang học lớp 11, nhưng ngay cả chuyện sắp tới con sẽ học trường nào, chị cũng… chịu. Chị cười: “Hai vợ chồng chỉ biết cố gắng kiếm tiền để lo cho con ăn học. Mình thất học nên chuyện học hành của tụi nhỏ mù tịt, thi trường nào, học trường nào tụi nó quyết định hết. Chỉ mong con mình được học hành tử tế, sau này không phải khổ như ba mẹ nó”.
Không riêng gì gia đình chị Hương, hai đứa con gái, đứa lên bảy, đứa lên năm của chị Chanh cũng phải tự nấu ăn, tự lo chuyện học hành từ nhỏ. Anh Biểu, chồng chị Chanh, nói: “Nhiều lúc thấy con lủi thủi cả ngày tự chăm sóc nhau, tụi tui cũng xót lắm...”. Hai vợ chồng chị Chanh cũng từng làm công cho chủ xe. Hơn một năm nay, mới tích cóp và vay mượn thêm, mua được chiếc xe Ford 16 chỗ. Nợ nần còn nặng gánh, nên anh chị không ước mơ nhiều, chỉ mong công việc ổn định, trả hết nợ, kiếm đủ tiền cho con ăn học...
|