Tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang loay hoay với bài toán rác thải từ trấu, sản phẩm củi trấu ra đời, mỗi thanh dài 21cm, nặng 1 kg, đủ nấu 1 bữa ăn cho 4 người với giá chỉ 1.000 đồng/thanh.
|
Máy ép trấu thành củi.
|
Tại đồng bằng sông Cửu Long, đã có lúc các nhà máy xay xát phải thẳng tay đổ trấu xuống sông, rạch. Trấu trôi lềnh bềnh đi khắp nơi, chìm xuống đáy gây ô nhiễm nguồn nước. Với Dự án VIE/020 - Sản xuất nông - thủy sản bền vững và năng lượng tái tạo từ lục bình và chất thải của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (Đại học Cần Thơ), trấu đã được chế biến thành... củi. Do đó, sản xuất bánh than củi trấu sẽ góp phần giải quyết vấn đề đọng rác trấu.
Để sản xuất củi từ trấu, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An đã đặt mua máy ép củi trấu được sản xuất tại Gò Công (Tiền Giang). Giá máy ép củi trấu 15 triệu đồng, cùng động cơ điện 3 pha 15 HP giá 5 triệu đồng. Máy ép củi trấu có công suất 70-80 kg củi/giờ, tiêu thụ điện 6-7 KW/h. Cứ 1,05kg trấu thì cho ra 1 kg củi trấu. Chỉ cần cho trấu vô họng máy, qua bộ phận ép thì máy “nhả” ra những thanh củi bốc hơi nóng hổi. Củi trấu có đường kính 73 mm, dài từ 0,5-1 m. Thanh củi trấu dài 21 cm, nặng 1kg. Cứ 1kg củi trấu thì nấu được bữa ăn cho 4 người.
Bên cạnh giá thành hạ so với các loại chất đốt khác, củi trấu cũng có hạn chế là dùng củi trấu nếu phát triển sẽ phổ biến ở nông thôn, vì nó cần phải có chỗ để củi, cần có bếp lò, cần nơi thải tro, vì thế nó khó tiến vào đô thị được mà có thể chỉ phổ biến ở nông thôn, vùng ven các khu dân cư gần đô thị… Kỹ sư Nguyễn Hữu Phong - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An - cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động tới nay, đã có nhiều người từ Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ tìm đến mua củi trấu về sấy bột khoai mì. Củi trấu là đề tài nghiên cứu bước đầu, giá cũng chỉ tính khảo nghiệm. Trung tâm sẽ chuyển giao công nghệ này đến các hộ nông dân có nhu cầu. Điều quan trọng là sẽ khuyến khích các nhà máy xay xát mua máy về ép củi, vừa giải quyết trấu chất cao như núi vừa kiếm thêm lợi nhuận từ củi trấu. Giá các loại nhiên liệu: ga, dầu lửa... đang tăng cao; củi thì ngày càng khó tìm... Vì vậy, sử dụng trấu để sản xuất thành củi trấu là giải pháp vừa kinh tế vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường”.
Được biết ngoài trấu, lục bình, cám dừa cũng là một loại rác thải đang được Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An thử nghiệm ép thành củi.
|