Bệnh tim mạch đang ngày càng phổ biến
16:6', 11/9/ 2008 (GMT+7)

Theo thống kê, bệnh tim mạch là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong tại các bệnh viện, chủ yếu là các bệnh: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não (đột quỵ), động mạch vành… Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị truyền thông về các bệnh tim mạch tỉnh Bình Định lần thứ II.2008, vừa được tổ chức vào ngày 5.9 tại TP Quy Nhơn.

Bình quân, mỗi năm, khoa Nội tim mạch, BVĐK tỉnh, tiếp nhận và điều trị hàng trăm bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch. Phần lớn bệnh nhân đều vào viện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, ảnh hưởng đến quá trình cũng như hiệu quả điều trị.

Theo ước tính của khoa Nội tim mạch, BVĐK tỉnh, trong 6 tháng đầu năm nay, số người mắc các bệnh tăng huyết áp và suy vành tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó có nhiều người mắc bệnh khi tuổi còn rất trẻ.

Bác sĩ Lê Thành Ấn, Trưởng khoa Nội tim mạch, lý giải: “Nguyên nhân bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch ngày càng tăng là do chế độ dinh dưỡng nhiều calo như thịt, mỡ động vật, bơ sữa, đường… rất dễ gây bệnh béo phì và dẫn đến hệ quả là bệnh tim mạch. Nền công nghiệp phát triển càng cao khiến nhiều người thường xuyên bị sức ép của cuộc sống, của công việc… gây căng thẳng dẫn đến những cơn co thắt tim. Hơn nữa, lối sống hưởng thụ, sống gấp nên chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt không điều độ, uống rượu, hút thuốc lá nhiều… cũng là một nguyên nhân quan trọng”.

Đáng chú ý, các bệnh lý tim mạch không có triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn đầu nhưng khi người bệnh khó thở, đau ngực thì đã bị tổn thương nặng và rất khó hồi phục.

Chính vì vậy, để phát hiện sớm bệnh tim mạch cần chủ động tầm soát ở những người bệnh có yếu tố nguy cơ như tuổi cao, tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch, béo phì, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Đồng thời đối với nam trên 40 tuổi và nữ trên 50 tuổi cần phải đi khám bệnh định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời nếu có bệnh.

Bác sĩ Lê Thành Ấn còn cho biết thêm: các biến chứng của tăng huyết áp và suy vành có thể gây ra bệnh suy tim, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Trong đó, nhồi máu cơ tim chiếm tỷ lệ tử vong cao, do những biến chứng sốc tim, loạn nhịp tim. Điều này cho thấy, bệnh tim mạch gây ra những biến chứng cấp tính hoặc biến chứng lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, làm tăng tỷ lệ tử vong.

Tại Hội nghị truyền thông về các bệnh tim mạch tỉnh Bình Định lần thứ II.2008, bác sĩ Trần Như Luận, Giám đốc Trung tâm Truyền thông-GDSK tỉnh, khuyến cáo, tầm soát bệnh tim mạch bằng cách đo huyết áp, làm điện tim và điện tim gắng sức, làm các xét nghiệm đường và mỡ trong máu. Ngoài ra, để giảm biến chứng của bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, người bệnh cần phải bỏ thuốc lá, chế độ ăn hạn chế nhất là với lipid bão hòa (mỡ, trứng), muối, hạn chế bia rượu và hoạt động thể lực đều đặn. Mặt khác, điều trị tim mạch cần phải được theo dõi và điều trị liên tục. Người bệnh bị tăng huyết áp không nên tự ý ngưng thuốc ngay cả khi huyết áp trở về bình thường và bản thân không có biểu hiện bệnh.

  • Phương Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khả năng xảy ra sóng thần mạnh ở Việt Nam là rất nhỏ  (11/09/2008)
Hãng Toyota cho “ra lò” xe hơi điện Prius thế hệ mới “xanh” hơn  (11/09/2008)
Làm củi từ... trấu  (11/09/2008)
10 quy tắc vàng giúp bạn luôn mạnh khỏe  (10/09/2008)
“Nước thông minh” giúp tăng 60% sản lượng khai thác dầu  (10/09/2008)
Giá phải trả đằng sau giày cao gót  (09/09/2008)
Mặt Trời có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn thế giới  (09/09/2008)
Bổ sung vitamin B12 tự nhiên để ngăn ngừa chứng mất trí nhớ khi về già  (09/09/2008)
Những thay đổi sinh lý ở tuổi dậy thì  (08/09/2008)
Quần đảo sợ nhật thực  (08/09/2008)
Béo phì làm cho bệnh hen suyễn tồi tệ hơn   (07/09/2008)
Cách phòng tránh đột quỵ   (07/09/2008)
Gian truân nữ phụ xe   (06/09/2008)
Bí mật của những trò ảo thuật   (05/09/2008)
Webcam mới “thủ tiêu” điều khiển từ xa   (05/09/2008)